23/11/2017
Cà Mau có hai hệ thống rừng rất nổi tiếng là rừng tràm U Minh và rừng ngập mặn Năm Căn. Dưới tán tràm xanh mướt, chạy dài tít tắp như nối tận chân trời là nơi cư ngụ của vô số loài động vật hoang dã như nai, heo rừng, khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, tê tê… Trong đó, nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Rừng tràm U Minh là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật hoang dã
Rừng tràm U Minh Hạ có tổng diện tích khoảng 35.000 ha. Trong đó, có 8.256 ha được công nhận Vườn quốc gia U Minh Hạ. Bao bọc chung quanh còn có 25 nghìn ha rừng và đất vùng đệm với các loài động, thực vật vô cùng phong phú. Với những ai lần đầu đến với rừng U Minh Hạ sẽ bị choáng ngợp trước sự bao la, mênh mông bạt ngàn của một khu rừng nguyên sinh rộng lớn này. Hơn 8 nghìn ha rừng tràm của Vườn quốc gia U Minh Hạ phủ một mầu xanh tươi mát, chạy dài tít tắp đến tận chân trời, không khí trong lành. Đến đây có cảm giác như rũ bỏ hết mọi ưu phiền, hòa nhập hoàn toàn vào thiên nhiên.
Bạn có bất ngờ không khi dưới tán tràm xanh mướt, rậm rạp kia chính là nơi cư ngụ của vô số loài động vật hoang dã như nai, heo rừng, khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, tê tê…Theo ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc vườn quốc gia U Minh Hạ, nhờ áp dụng chế độ quản lý nghiêm ngặt nên vườn quốc gia U Minh Hạ không ngừng phát triển, bảo tồn. Là môi trường lý tưởng cho các loài động vật hoang dã quý hiếm lưu trú, sinh trưởng.
Hiện nay, động vật hoang dã quý hiếm tồn tại trong vườn quốc gia ngày càng nhiều. Nếu cách đây 10 năm, đàn nai xuất hiện lưa thưa thì bây giờ số lượng đàn nai ước tính từ 700-800 con, trong đó có những con nai già trọng lượng lên tới 180 kg. Đàn heo rừng cũng có hàng trăm con. Đặc biệt trong vườn quốc gia U Minh Hạ xuất hiện nhiều loài chim quý như chim sen, chằng bè, đây là loài chim to với sải cánh trên 1m, trọng lượng hàng chục kg. Nơi đây còn có khoảng 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ, nhiều con cá lóc, cá bông nặng khoảng 1 đến 2kg. Cá, chuột đồng, lươn, rắn nhiều vô kể và đó chính là đặc sản của vùng đất này với những món mà chỉ nghe giới thiệu đã thấy vô cùng hấp dẫn như cá lóc nướng trui, lươn um lá nhàu, chuột đồng chiên, rắn bông súng nướng mọi… chấm muối hạt dầm với ớt xanh.
Đặc biệt, nếu đến rừng tràm U Minh Hạ vào mùa trái giác chín rộ, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ. Trái giác được ví như nho rừng ở vùng U Minh. Người dân quê thường dùng trái xanh để kho cá hoặc nấu canh chua và trái chín để ngâm rượu, rượu trái giác ngọt thơm như rượu vang vậy. Mùa giác bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối năm âm lịch. Vào thời điểm này, nhiều hộ dân ở huyện U Minh tranh thủ đi hái và bán cho các cơ sở thu mua, mang về nguồn thu nhập tương đối khá. Và sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến loại mật ong hoa tràm nức tiếng của rừng U Minh Hạ, thứ mật trong và vàng như nước cam, đặc sánh, thơm ngào ngạt hương vị của hoa tràm, mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe. Dưới tán rừng, quanh năm loài ong cần mẫn đi hút mật từ những nhuỵ bông tràm về xây tổ.
Tự bao đời nay, nhiều người dân U Minh đã sinh sống bằng nghề gác kèo ong. Người đi rừng chỉ cần chọn một vị trí tốt trong rừng đặt một đoạn thân cây, thường là cây tràm hoặc cây cau (còn gọi là kèo ong), khoảng hơn chục ngày sau là đàn ong kéo về xây tổ cho sản lượng mật dồi dào.
Mang trong mình những vẻ đẹp hoang sơ cùng nhiều sản vật quý hiếm nên từ lâu, rừng U Minh Hạ đã trở thành một địa điểm đặc biệt hấp dẫn du khách từ khắp mọi nơi tìm về.
Theo daidoanket