Banner trang chủ

Về Cần Thơ thăm nhà cổ Bình Thủy

16/03/2016

     Cần Thơ có hơn 70 ngôi nhà cổ, trong đó độc đáo nhất là nhà thờ họ Dương ở quận Bình Thủy được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

     Nhà cổ họ Dương hay còn gọi là nhà cổ Bình Thủy được xây dựng từ năm 1870 với 5 gian 2 chái, tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 8.000 mét vuông theo hướng Đông - Tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành, thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt vừa tăng tính thẩm mỹ, tạo không khí mát mẻ vừa thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã.

 

     Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mêxico Kim Lăng Trụ cao khoảng gần chục thước. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng thênh thang với 6 hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30 cm kê trên những tảng đá có hoa văn. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi.

     Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn tấc tây. Cùng với hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng nên trời nắng chang chang mà trong nhà rất mát mẻ. Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hòa xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp đời Louis 15, cặp đèn treo thế kỷ XIX, Lavabô, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3m của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp.

 

     Nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa với các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ cũng như gần gũi với đời sống của người việt Nam ở Nam bộ: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, dơi, chim, công, tôm, cua, nho…

     Đây là một công trình kiến trúc có giá trị. Mặc dù được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, hoạ tiết trang trí. Ở đây sự giao tiếp văn hoá Đông - Tây được chọn lọc, tiếp thu và vận dụng một cách tài tình, hợp lý, tạo cho di tích  một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, gần gũi, tân kỳ mà không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả.

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn