08/11/2018
Những cây sưa đỏ quý hiếm có đường kính từ 20 - 80 cm hiện nằm trong khu vực núi Nùng, công viên Bách Thảo (Hà Nội) có giá trị lớn về mặt bảo tồn không chỉ ở Hà Nội mà còn có giá trị với Hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới.
Quần thể sưa đỏ quý hiếm hiện nằm trên khu vực Núi Nùng trong công viên Bách Thảo (Hà Nội). Với sự xuất hiện của quần thể sưa đỏ, Núi Nùng được mệnh danh là núi “triệu đô” bởi hàng chục cây sưa đỏ. Vườn Bách Thảo được thành lập năm 1890 với hơn 200 loài cây. Trong đó đặc biệt hơn cả là 40 cây sưa đỏ trên 100 tuổi.
Sưa đỏ hay còn gọi trắc thối, danh pháp khoa học Dalbergia tonkinensis Prain. Đây là loài cây thân gỗ thuộc họ đậu, rụng lá theo mùa, cao 6 - 12 m. Thân cây dạng hợp trục, dáng phân tán. Sưa đỏ thuộc nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Gỗ sưa có mùi thơm thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là trắc thối. Hiện nay, sưa đỏ đã được chính phủ Việt Nam xếp vào nhóm cây cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Thời phong kiến ngày xưa, vua chúa thường dùng gỗ sưa để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì vừa là hương liệu, vừa là dược liệu. Hiện nay, sưa đỏ mọc hoang trên rừng không còn nhiều, chỉ còn số ít được bảo tồn và lưu giữ trong các công viên, nhà chùa. Có thời điểm, giá sưa đỏ lên tới hàng chục tỷ đồng/m3 nên nhiều người săn lùng, đặc biệt của kẻ trộm.
Mặc dù được trồng trong công viên Bách Thảo nhưng để đảm bảo an toàn cho những "cụ sưa" này, tất cả cây sưa từ nhỏ đến lớn đều được quấn dây thép gai xung quanh để tránh “sưa tặc”. Các cây đều được đánh số theo dõi.
Trần Tân