24/10/2019
Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang được thành lập năm 2002, có diện tích hơn 55.058 ha, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách TP. Hà Tĩnh 75 km, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, trong đó có loài mang quý hiếm Vũ Quang. Với đặc điểm đa dạng sinh học cao và các giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, VQG Vũ Quang không chỉ là khu bảo tồn đa mục đích mà còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm
VQG Vũ Quang có độ che phủ 97%, thiên tạo theo 2 kiểu rừng: Rừng kín thường xanh á nhiệt đới và Rừng kín thường xanh nhiệt đới. Nói đến VQG Vũ Quang người ta không thể không nhắc tới loài mang Vũ Quang. Bên cạnh đó, nơi đây cũng nổi tiếng bởi đã phát hiện ra loài Sao la. Tháng 6/1992, một người nông dân xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn) trong lúc đi rừng đã bẫy được con Sao la tại rừng Vũ Quang, sau đó giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh để đưa ra Hà Nội bàn giao cho Viện Điều tra nghiên cứu quy hoạch rừng Trung ương nuôi dưỡng. Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) đã chính thức công bố nguồn tin này cho toàn thế giới biết.
Tháng 7/2019, VQG Vũ Quang tiếp nhận và tái thả 12 cá thể linh trưởng nguy cấp, quý hiếm về với tự nhiên. Đây là những cá thể được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (CRCO), thuộc VQG Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai đang nuôi giữ. 12 cá thể linh trưởng nguy cấp quý hiếm thuộc 3 loài gồm: 6 cá thể Khỉ đuôi lợn; 4 cá thể khỉ vàng và 2 cá thể khỉ mốc được bàn giao cho VQG Vũ Quang. Đây là một hoạt động bảo tồn có ý nghĩa rất lớn nhằm thực hiện “Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” của Chính phủ.
Về thực vật, theo kết quả điều tra thực địa, hiện nay VQG Vũ Quang có trên 523 loài thực vật, 360 chi thuộc 145 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, trong đó 16 loài được ghi tên vào Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, đây là nơi sinh tồn của nhiều loài gỗ quý hiếm như: Trầm hương, pơ mu, thông tre, sao hải nam, cẩm lai, soong bột…
Động vật thuộc họ cu li quý hiếm tại VQG Vũ Quang
Phát hiện thêm 8 loài thú linh trưởng
Tháng 9/2017, VQG Vũ Quang đã thực hiện Đề tài “Đánh giá thực trạng các loài động vật thuộc Bộ Linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng tại VQG Vũ Quang và xây dựng phương án bảo tồn”, nhằm xác định số lượng các loài linh trưởng và xây dựng phương án bảo tồn chúng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Sau 2 năm thực hiện Đề tài bằng phương pháp quan sát, ghi hình, ghi chép, phỏng vấn… đơn vị chủ trì, chủ nhiệm và nhóm cộng sự đã xây dựng được hệ thống tuyến điều tra, giám sát các loài linh trưởng quý hiếm, nguy cấp; xác định thành phần và phân bố của các loài thú linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng tại vườn. Chủ trì Đề tài đã xác định được tại VQG Vũ Quang có 8 loài thú linh trưởng thuộc 1 bộ, 3 họ. Cụ thể, linh trưởng họ khỉ có 5 loài, họ cu li có 2 loài và họ vượn có 1 loài.
Bên cạnh đó, chủ trì Đề tài xác định được nguyên nhân cơ bản đã đe dọa trực tiếp đến quần thể các loài linh trưởng của vườn là do xây đập hồ chứa Ngàn Trươi, săn bắt, khai thác lâm sản ngoài gỗ, chăn thả gia súc... Trên cơ sở đó, chủ trì Đề tài đã xây dựng bản đồ phân bố các loài thuộc bộ linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng (có vị trí tọa độ), đồng thời đề xuất 5 nhóm giải pháp cấp thiết cần cho bảo tồn các loài Linh trưởng tại VQG Vũ Quang.
Tại cuộc họp nghiệm thu kết quả Đề tài tổ chức vào ngày 19/9/2019 vừa qua, Hội đồng nghiệm thu do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh (chủ trì) và nhiều đơn vị khoa học chuyên môn cấp khu vực đánh giá cao kết quả nghiên cứu mà VQG Vũ Quang đưa ra. Theo đó, kết quả của Đề tài sẽ giúp cho cơ quan quản lý, nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh bức tranh tổng thể về phân bố, tình trạng, số lượng, xu hướng biến đổi các loài linh trưởng đặc hữu, quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, các nguyên nhân làm suy giảm tại VQG Vũ Quang. Đồng thời, Đề tài khi được tuyên truyền rộng rãi sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ các loài linh trưởng và giảm thiểu số lượng các vụ vi phạm về săn bắn, buôn bán các loài động vật hoang dã.
Hồng Nhự