Banner trang chủ

Vườn Quốc gia Côn Đảo:Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu phát triển bền vững

02/01/2020

     Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo có diện tích gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha vùng nước với những giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) còn tương đối nguyên vẹn. Vì vậy, các hoạt động quản lý bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH luôn được Ban Quản lý (BQL) VQG xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đề ra kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể. Đó là những chia sẻ của Giám đốc VQG Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho với Tạp chí Môi trường về những nỗ lực của BQL VQG trong công tác bảo tồn ĐDSH.

 

Ông Nguyễn Khắc Pho - Giám đốc VQG Côn Đảo

 

     PV: Xin ông cho biết, một số kết quả nổi bật của VQG Côn Đảo trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH thời gian qua?

     Ông Nguyễn Khắc Pho: Trong những năm qua, VQG Côn Đảo đã tích cực triển khai công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. BQL VQG đã lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), phương án tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Hạt Kiểm lâm trực thuộc VQG Côn Đảo đã phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng trên địa bàn theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Côn Đảo. Tỷ lệ che phủ rừng trên diện tích BQL VQG Côn Đảo quản lý năm 2017 đạt 86,91%, năm 2018 đạt 92,93%, năm 2019 dự kiến độ che phủ rừng không thay đổi. BQL VQG  đã bố trí lực lượng trực thường xuyên 24/24 giờ/ngày tại địa bàn 12 trạm, tổ và các vị trí trọng điểm. Trong 2 năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức 19.169 lượt tuần tra (16.482 lượt tuần tra rừng; 2.687 lượt tuần tra biển); phát hiện, ngăn chặn và xử lý 12 vụ vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 36,5 triệu đồng. Đặc biệt, BQL VQG đã cung cấp thông tin, phối hợp với cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo xử lý các vụ vi phạm về tàng trữ, buôn bán thịt và trứng của loài vích (loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

     Đối với công tác bảo tồn ĐDSH, BQL đã triển khai thực hiện thành công một số chuyên đề nghiên cứu cấp cơ sở như: Lập hồ sơ và được công nhận 3 Cây Di sản Việt Nam; nghiên cứu đặc tính sinh thái, hình thái và các giải pháp kỹ thuật phục hồi phát triển loài chim Yến Hàng; diệt trừ, cô lập một số loài thực vật ngoại lai xâm hại; chiết ghép 7 loài lan từ 104 chậu vào cây rừng tự nhiên tại Phân khu hành chính - dịch vụ; nuôi thực nghiệm, phát triển nguồn giống các loài kỳ đà, cầy hương; nghiên cứu, gieo tạo một số loài cây rừng tại VQG Côn Đảo trồng thử nghiệm làm cây xanh đô thị; điều tra phân bố một số loài cây thuốc nam có giá trị tại Côn Đảo; nghiên cứu, xác định sức chứa du lịch sinh thái tại các điểm tuyến du lịch sinh thái trong VQG. Kết quả là tài nguyên rừng tăng lên rõ rệt, một số loài cây quý hiếm đã được gây trồng, sinh trưởng và phát triển tốt, giá trị của rừng ngày càng góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo.

     Bên cạnh đó, BQL còn thực hiện các đề tài bảo tồn ĐDSH biển như: “Nghiên cứu, áp dụng hình thức bảo tồn chuyển vị (ex-situ) để phục hồi và bảo tồn loài Trai tai tượng vảy tại Côn Đảo”; tổ chức giám sát hệ sinh thái san hô và cỏ biển tại khu vực quản lý; quan trắc độ mặn nước biển định kỳ; lắp đặt, bảo dưỡng phao neo, phao ranh giới trong Khu bảo tồn biển; giám sát sự xuất hiện của các loài động vật biển quý hiếm. Đồng thời, triển khai Dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo giai đoạn 2017 - 2020 trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu. BQL VQG phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort triển khai phương án phục hồi và bảo tồn bãi rùa đẻ tại Đất Dốc giai đoạn 2018 - 2020, số rùa con được cứu hộ, quản lý thả về biển trong 2 năm là 192.302 cá thể. Bàn giao trứng rùa biển cho BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm để thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển tại Cù Lao Chàm theo giấy phép tặng, cho của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

     Qua các hoạt động nghiên cứu về bảo tồn, phục hồi ĐDSH biển bước đầu đã ghi nhận được đặc tính sinh vật học, sinh thái học của một số loài sinh vật biển quý hiếm để có biện pháp bảo tồn và phát triển trong tương lai; đã khoanh vùng, thiết lập bản đồ những điểm có rạn san hô đẹp, ĐDSH phong phú để phục vụ phát triển du lịch lặn biển tại Côn Đảo; quần thể rùa biển tại Côn Đảo được bảo tồn, phát triển tốt là thế mạnh làm phong phú các loại hình du lịch tại Côn Đảo. Qua theo dõi, quan trắc đã kịp thời phát hiện các hiện tượng thiên nhiên như tăng nhiệt độ nước biển, ngọt hóa nước biển... gây chết, hoặc tẩy trắng san hô, đồng thời theo dõi quá trình diễn biến, phục hồi của các hệ sinh thái biến sau những đợt tai biến thiên nhiên, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên, ĐDSH rừng và biển. Ngoài các chương trình công tác, chuyên đề nghiên cứu theo kế hoạch, BQL VQG còn chủ động phối hợp, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH.

     PV: Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, BQL VQG còn triển khai những hoạt động nào để BVMT của địa phương, thưa ông?

     Ông Nguyễn Khắc Pho: Trong thời gian qua, BQL VQG Côn Đảo đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề cương và triển khai thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng địa phương... Bằng nhiều hình thức như tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, khách du lịch, ngư dân, người dân địa phương, BQL còn phối hợp với các đơn vị trường học, tổ chức giáo dục môi trường, tìm hiểu về tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH cho học sinh; chủ động đăng tin, bài, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng bá các giá trị thiên nhiên, môi trường của Côn Đảo. Năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, BQL đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, BVMT, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và PCCCR cho 56.394 lượt người.

 

Hệ thực vật phong phú của VQG Côn Đảo

 

     Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm ngoài công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn thường xuyên tổ chức thu gom, xử lý rác tại các địa bàn quản lý. Hàng năm, đơn vị lập kế hoạch, tổ chức hoạt động tình nguyện thu gom, xử lý rác thải nhân Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế đại dương, Tuần lễ biển và hải đảo và đề xuất UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, xử lý rác thải trôi dạt, tích tụ lâu năm tại một số đảo. Trong 2 năm 2017 - 2018 đã tổ chức 6 đợt thu gom rác, huy động 86 lượt phương tiện, 984 lượt người tham gia, xử lý 1.510 m3 từ ngoài khơi trôi dạt vào các đảo và 400 kg rác thải vướng trên các rạn san hô. Kết quả này đã được UBND tỉnh và UBND huyện tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Dân vận khéo” năm 2017. Ngoài ra, BQL còn thiết kế, lắp đặt các thùng rác tại các tuyến điểm tuần tra kết hợp du lịch sinh thái, lắp đặt sữa chữa các bảng chỉ dẫn, tuyên truyền nội quy tham quan. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường tại Côn Đảo. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, BQL đã nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ từ các tổ chức, cộng đồng dân cư trong các hoạt động vì môi trường như thu gom rác thải, PCCCR, chăm sóc rừng trồng... Chính quyền và một số cơ quan, đơn vị, ngưòi dân huyện Côn Đảo, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Ban chỉ huy quân sự huyện rất quan tâm công tác BVMT, đã chung tay, góp sức cùng với BQL VQG Côn Đảo giữ gìn, BVMT huyện Côn Đảo luôn xanh, sạch, đẹp.

     PV: Ông có thể đánh giá những hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường của những hoạt động mà BQL VQG triển khai trong thời gian qua?

     Ông Nguyễn Khắc Pho: Việc vận động các tổ chức, cộng đồng cùng tham gia trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, thu gom rác thải... góp phần sử dụng nguồn nhân lực và vật lực tại chỗ, giảm thiểu các khoản chi cho các hoạt động môi trường từ nguồn ngân sách. Đây cũng chính là tính xã hội hóa trong công các BVMT mà các hoạt động này mang lại. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu bảo tồn, phát triển ĐDSH, góp phần phát huy, quảng bá, giới thiệu giá trị tài nguyên thiên nhiên của VQG Côn Đảo, là tiền đề phát triển các hoạt động du lịch sinh thái trên địa bàn. Đồng thời đem lại nguồn thu dịch vụ thông qua các sản phẩm từ môi trường, từ đó xây dựng phát triển huyện Côn Đảo thành một khu du lịch quốc gia. Các mô hình hỗ trợ cộng đồng trong những năm qua đã gắn kết trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi giữa công đồng dân cư với chủ rừng và Nhà nước trong việc bảo vệ rừng bền vững, góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ ĐDSH, phát huy giá trị của VQG Côn Đảo trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

     Đến nay, VQG Côn Đảo đã được công nhận là Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar) và Vườn Di sản ASEAN (AHP). Việc được công nhận danh hiệu Ramsar và AHP là sự đánh giá giá trị tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, ĐDSH của Côn Đảo còn tương đối nguyên vẹn, đa dạng và phong phú. Các nguồn tài nguyên này là tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững dân sinh, kinh tế, xã hội huyện Đảo. Vì vậy, các hoạt động bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH là mục tiêu phát triển bền vững không chỉ của địa phương, mà còn mang tầm quan trọng của quốc gia và quốc tế...

     PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Nam Việt (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

Ý kiến của bạn