22/01/2019
Ngày 25/12/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu họp Hội đồng nghiệm thu Dự án “Thành lập Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước”.
Dự án Thành lập Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước được nghiên cứu thực hiện trong 12 tháng do Sở TN&MT làm chủ đầu tư và Trường Đại học Cần Thơ làm đơn vị thực hiện. Dự án nhằm mục tiêu bảo tồn di tích lịch sử khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, hệ sinh thái và các nguồn gen quý hiếm ở rừng tràm Mỹ Phước; Xây dựng hiện trường phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống lịch sử - tự nhiên và du lịch sinh thái; xây dựng phương án phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của rừng tràm Mỹ Phước; Đề xuất các giải pháp quản lý tổng thể nhằm bảo tồn, khai thác hiệu quả và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tại buổi nghiệm thu, đơn vị thực hiện đã báo cáo những kết quả nghiên cứu về hiện trạng môi trường, cơ sở hạ tầng và chế độ thủy văn ở rừng tràm Mỹ Phước; hiện trạng đa dạng sinh học; kế hoạch khai thác giáo dục lịch sử tự nhiên; kế hoạch tổ chức quản lý khai thác bền vững Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước… cùng những vấn đề cấp bách cần thực hiện nhằm bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước và hướng tới việc khai thác du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục lịch sử.
Các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của đơn vị tư vấn, coi đó là cơ sở để UBND tỉnh, Sở TN&MT đưa ra chủ trương, giải pháp bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước; đồng thời chỉ ra khó khăn trong việc cải tạo hệ sinh thái rừng tràm; những loại thực vật nên xem xét bảo tồn để đạt hiệu quả…
Đồng chí Lê Văn Hiểu thống nhất thông qua dự án; đồng thời yêu cầu Sở TN&MT tổng hợp những ý kiến đóng góp của hội đồng cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Mỹ Phước là một xã thuộc huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng. Rừng tràm Mỹ Phước có 4 sinh cảnh là rừng tràm, rừng dừa nước, lung (nước ngọt) và rừng đặc dụng với nhiều loài động thực vật quý, hiếm. Đặc biệt, Mỹ Phước là nơi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có sinh cảnh giao thoa giữa rừng tràm và rừng dừa nước. Du lịch sinh thái đã mang lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân địa phương.
Trần Tân