Banner trang chủ

Thú chơi đào, quất, mai trong phong tục đón Tết của người Việt

18/02/2019

     Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trong mỗi gia đình người Việt Nam đều trang trí những cành đào hoặc trồng cây quất, cây mai. Ngoài việc làm đẹp thêm ngôi nhà, phong tục này còn thể hiện mong ước mang lại sự may mắn cho gia chủ. Thời gian trôi qua, không phải ai cũng biết hết ý nghĩa của các loài cây nói trên, chỉ biết rằng, vào dịp Tết Nguyên Đán, việc trang trí ngôi nhà bằng những cành đào, cây quất, cây mai đã trở thành tục lệ, nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam.

     Sự tích và ý nghĩa hoa đào ngày Tết

     Không biết tự bao giờ, loài hoa có nguồn gốc từ vùng núi cao đã được người Việt ở đồng bằng Bắc bộ thuần hóa với cái tên giản dị: Hoa đào. Và cũng không biết tự bao giờ đối với người Việt, hoa đào đã trở thành biểu tượng của mùa xuân, khi thi nhân Vũ Đình Liên chỉ cần viết: “Mỗi năm hoa đào nở” là người đọc hiểu ngay rằng, câu thơ này dành riêng cho thời điểm “Tết đến, Xuân về”.

 

Mỗi độ xuân sang, hoa đào lại rực rỡ khoe sắc khắp đất trời xứ Bắc

 

     Đào vốn dĩ là loài hoa mang màu sắc nồng nàn, ấm cúng, cành có nhiều nhánh vươn mình khoe sức sống. Tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở xứ Bắc đã có từ lâu, gắn liền với thơ ca, nhạc họa. Từ trong nhà, ngoài vườn và cả trên đường phố, người ta đều bắt gặp sắc hồng của loài hoa này. Thế nhưng không phải ai cũng biết về sự tích và ý nghĩa của nó.

     Tích xưa kể rằng, ở phía Đông núi Độ Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), có một cây đào khổng lồ, mọc đã lâu đời, cành lá to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng đất rộng. Đây là nơi trú ngự của 2 vị thần diệt trừ ma quái, giúp người dân trong vùng có cuộc sống yên bình, hạnh phúc, tên là Trà và Uất Lũy. Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các vị thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh rồi dán ở cột trước nhà để trừ ma quỷ. Từ đó, hàng năm, khi Tết đến, mọi nhà đều cắm một cành đào.

     Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết, nhưng ý nghĩa của nó đã khác với tục lệ xa xưa, bởi con người không còn tin vào ma quỷ nữa. Thời nay, hoa đào trong ngày Tết tượng trưng cho sự ấm cúng của gia đình, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.

     Không chỉ tô điểm cho không gian ngày Tết, hoa đào còn được người xưa gửi gắm nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đào được coi là tinh hoa của Ngũ hành, có thể xua đuổi bách quỷ, giúp con người có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Đào cũng là biểu tượng của tình bạn chung thủy, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mang đến nguồn sinh khí mới. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của loài hoa này còn tượng trưng cho người con gái xứ Bắc, dịu dàng, e lệ, kiều diễm…

     Đào có nhiều giống như đào bích, đào phai, đào trắng (bạch đào)… Một cây đào đẹp thì hoa cánh kép, màu thắm, cành đều, gốc thẳng, thân có thể xù xì nhưng khoẻ, chắc, cành vừa phải, dăm (nhánh nhỏ nhất của cành đào) nhỏ, nhiều hoa, vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu đến cuối dăm.

     Tên của các thế đào chủ yếu lấy theo chữ Nho như ngũ phúc, cửu lộc, bạt phong, tam đa, long giáng…, còn hình dáng của các thế đào gợi lên ý nghĩa về tình cha - con, gia đình, các con vật trong truyền thuyết như long, phụng. Khi chọn đào thế cần chú ý phải có đủ bộ tứ quý: hoa, nụ, lộc, lá, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no. Đối với đào cây, nên chọn cây cân đối, có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân. Ngày Tết, cắm cành đào chỉ cần chọn một góc có đủ ánh sáng để khi đào nở, ai cũng có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của những bông hoa, ngôi nhà được tô điểm như một vườn xuân, ươm nắng hồng dịu ngọt, mang hơi thở cho những ngày đầu năm.

     Quất - Loài cây mang lại sự cát tường, bình an

     Cũng như đào, quất thường được người dân lựa chọn để trang trí vào dịp Tết, bởi theo từ ngữ Hán Việt, âm của từ "quất" gần giống với âm của từ "cát", chỉ sự cát tường, bình an.

     Cây quất có lá xanh tốt, quả màu vàng thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Vì vậy, ngoài việc xem ngày tốt xấu để dọn dẹp nhà cửa đón Tết, nhà nhà đều bài trí một cây quất với hy vọng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, cành quất trĩu quả là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình. Trong kinh doanh, đặt cây quất ở văn phòng hoặc cửa hàng sẽ đem lại cát khí, thể hiện sự đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc.

 

Cây quất lá xanh tốt, quả vàng thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới sung túc

 

     Thường một cây quất đẹp phải có gốc to, thân ngắn, nhiều nhánh nhỏ; dáng quất tròn hoặc hình tháp, chẻ ngang để tạo thế. Cây cũng phải đủ tứ quý gồm quả vàng, quả xanh, nụ trắng, lá chồi. Màu sắc, đặc tính của cây và màu sơn tường, hướng của phòng đều là những yếu tố quyết định đến việc đặt cây trong nhà. Việc phân loại thảo mộc theo ngũ hành chủ yếu căn cứ vào màu sắc. Những cây thuộc hành thủy phần lớn có màu xanh, lá thẫm như tùng, bách… Cây thuộc hành hỏa có sắc đỏ, như lựu, đào, hồng thiết. Vì mỗi người có một mệnh khác nhau, mà cây quất lại “đạt” được yếu tố ngũ hành: kim (hoa màu trắng) sinh thủy (lá xanh đậm); thủy sinh mộc (thân cây); mộc sinh hỏa (quả chín màu cam); hỏa sinh thổ (đất trong chậu) và thổ sinh kim (hoa màu trắng) nên quất được nhiều người ưa chuộng, trưng bày vào ngày Tết.

     Mai vàng - Sự giàu có và cao quý

     Nếu đào và quất là biểu tượng cho ngày Tết ở miền Bắc thì mai vàng là loài hoa được người dân miền Nam lựa chọn. Màu của mai vàng tượng trưng cho sự cao quý, giàu sang và hy vọng. Người ta chưng hoa mai vào dịp Tết với mong muốn một năm mới phát tài, phát lộc. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào có cây mai chỉ nở hoa 7 cánh thì nhà đó sẽ “đại cát, đại quý” trong năm mới.

     Cây mai có rễ cắm sâu vào lòng đất, chịu được mọi loại thời tiết khắc nghiệt, không bị gục ngã trước gió bão. Bởi vậy mà mai tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại và đức tính hy sinh cao cả, sự bền bỉ của gười Việt Nam. Những đoá mai vàng nở rộ trong tiết xuân mang đến niềm vui, hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết và gắn bó mọi người lại với nhau.

 

Mai vàng là biểu tượng được người dân miền Nam lựa chọn để chưng bày trong những ngày Tết

 

     Chọn mai trang trí Tết ngoài yếu tố hình thức (gốc chắc chắn, tỷ lệ hoa nụ cân đối, lá non hoặc đỏ biếc, mật độ vừa phải...) còn phải dựa vào diện tích không gian phòng khách rồi mới quyết định chọn kích thước chậu mai. Chậu mai bày trong nhà không quá to hoặc quá bé, tạo cảm giác hài hòa, cân bằng, ấm cúng, phù hợp với không khí những ngày đầu năm.

     Những dáng cây mai đẹp thường có hình Chân quỳ, Hạc bay, Phụng hoàng..., với những cây nhánh đẹp cân đối, sự phân chia các nhánh hợp lý trên thân cây. Cây mai nên có vỏ đen tự nhiên, không đốm vảy nấm mốc, bông rải đều, nhánh to khỏe, uyển chuyển, nụ mập, lá non vừa nhú. Với người mệnh hỏa, nên đặt chậu mai theo hướng Nam, hướng Đông, Đông Nam và hướng Bắc; người mệnh thủy, nên đặt trang trí mai vàng theo hướng Bắc, Đông, Đông Nam; những người mệnh mộc, hướng phong thủy mang lại tài lộc, may mắn nằm ở Đông, Nam và Đông Nam; người mệnh kim hợp với hướng Tây và Tây Bắc; nngười mệnh thổ, hợp với hướng Nam, Tây Nam, Đông Bắc...

     Đào, mai, quất là những loại cây, hoa tượng trưng cho ngày Tết. Để cây vừa đẹp, vừa mang lại may mắn cho gia chủ trong năm mới, nên lưu ý cách cắm phải phù hợp phong thủy; chọn cây, hoa phù hợp với diện tích và không gian. Nếu nhà nhỏ, nên mua cành đào, chậu mai, quất nhỏ để bày trên bàn khách, đôn bàn nước. Còn với nhà to, trần cao, bạn có thể mua cây lớn đặt ở vị trí trung tâm. Khi mua cây, hoa về nhà, nhớ tưới đủ nước, chăm sóc cẩn thận, tránh để héo, úa vào ngày đầu năm.

 

Vũ Thị Thìn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

Ý kiến của bạn