23/05/2018
Từ năm 1993, Ban thư ký Công ước đa dạng sinh học (ĐDSH) đã thống nhất lựa chọn ngày 22/5 hàng năm là Ngày Quốc tế ĐDSH để kêu gọi các quốc gia, tổ chức và toàn cộng đồng cùng hành động để bảo tồn ĐDSH.
Theo Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna and Flora International), Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính ĐDSH cao với hơn 13.200 loài thực vật trên cạn, khoảng 10.000 loài động vật và hơn 3.000 loài thủy sinh. Tuy vậy, công tác bảo tồn ĐDSH độc đáo của Việt Nam đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết do nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép.
Nền ĐDSH ở Việt Nam đang bị đe dọa
Số loài bị đe dọa toàn cầu không chỉ tăng về số lượng, mà còn tăng về mức độ đe dọa. Quần thể của hầu hết các loài bị đe dọa toàn cầu tại Việt Nam đều bị đánh giá là đang có chiều hướng suy giảm về số lượng. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức rất cao ở Việt Nam. Ví dụ như Hạc cổ trắng không có tên trong danh sách đỏ của IUCN (2004), nhưng lại là loài sắp nguy cấp (VU) ở Việt Nam do mất sinh cảnh và thức ăn bị ô nhiễm. Đáng lưu ý, cũng theo IUCN, trong khi một số loài động vật đã bị coi là tuyệt chủng ngoài tự nhiên của Việt Nam nhưng chúng vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia lân cận. Điều này thể hiện rõ những biến động lớn về ĐDSH của Việt Nam so với những vùng lãnh thổ khác.
Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc suy giảm nền ĐDSH của Việt Nam chính là tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD không ngừng gia tăng.
Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán ĐVHD bất hợp pháp hoạt động trên toàn cầu. Nhiều công dân Việt Nam đã bị bắt giữ trong và ngoài nước vì có liên quan đến loại hình tội phạm rất nghiêm trọng này. Tháng 3 vừa qua, đối tượng Nguyễn Mậu Chiến, được biết đến là kẻ cầm đầu một trong những đường dây buôn bán ĐVHD lớn từ châu Phi về Việt Nam, đã bị kết án 13 tháng tù vì hành vi “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”. Tuy nhiên, mức án được đưa ra đã không phản ánh đúng hành vi làm đe dọa nền ĐDSH của Việt Nam và thế giới của đối tượng Chiến.
Ban đầu, hoạt động buôn bán ĐVHD ở Việt Nam nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, khi mức sống của người dân ngày càng gia tăng, Việt Nam đã không chỉ là một mắt xích trong mạng lưới trung chuyển mà còn trở thành một quốc gia tiêu thụ ĐVHD.
Nhiều loài ĐVHD bị săn bắt ráo riết khi nhiều người mù quáng tin rằng chúng có các công dụng như bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, chữa các bệnh nan y dù trên thực tế không hề có bất kì bằng chứng khoa học nào chứng minh. Nhiều cảng biển lớn ở Việt Nam là nơi tiếp nhận những chuyến hàng vận chuyển các sản phẩm, bộ phận từ ĐVHD có giá trị lớn như ngà voi, trước khi chúng bị buôn lậu qua biên giới sang Trung Quốc. Chỉ trong tháng 4 vừa qua, các cán bộ hải quan đã tịch thu gần 6 tấn vảy tê tê vận chuyển vào Việt Nam từ châu Phi.
Trong năm 2017, Trung tâm Giáo dục Việt Nam (ENV) cũng đã ghi nhận 185 trường hợp vi phạm với tang vật bị tịch thu gồm 8 tấn ngà voi cùng 143 kg sừng tê giác.
Những dấu hiệu khởi sắc
Kể từ khi tham gia Công ước ĐDSH vào năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư đáng kể về cả nhân lực, tài chính để thực thi các cam kết và nghĩa vụ của mình đối với Công ước, góp phần bảo vệ nền ĐDSH của nước nhà.
Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, hứa hẹn là một công cụ hiệu quả góp phần răn đe, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm về ĐVHD nói riêng. Bộ luật cũng được tin tưởng sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể, củng cố hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn các loài ĐVHD khi các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Chính phủ, các cơ quan chức năng cùng các tổ chức xã hội đã có những cam kết mạnh mẽ cùng những nỗ lực không mệt mỏi nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài ĐVHD. Giữa năm ngoái, Chính phủ đã tái khẳng định cam kết chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam. Cuối tháng 4/2018, Ninh Bình trở thành tỉnh tiếp theo không còn hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật, đưa tổng số địa phương không có gấu nuôi nhốt lên 21 tỉnh thành. Bên cạnh đó, các địa phương như Cà Mau, Cần Thơ, Lâm Đồng và Thái Nguyên cũng đang nỗ lực vận động người dân sớm chuyển giao các thể gấu cuối cùng đến với các trung tâm cứu hộ và chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại địa phương. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng ngày càng đóng vai trò tích cực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD. Trong 4 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận hơn 130 cá thể ĐVHD được giải cứu nhờ thông báo vi phạm từ người dân.
Trong nhiều trường hợp, các cá thể ĐVHD được giải cứu song do hạn chế về tình trạng sức khỏe nên không thể tái thả về tự nhiên. Tuy vậy, sự giúp sức của cộng đồng trong việc thông báo các vi phạm về ĐVHD đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm liên quan, giúp mở ra tương lai tươi sáng hơn cho nhiều loài ĐVHD khác vẫn đang bị săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép.
Không thể phủ nhận vai trò của ĐDSH đối với tự nhiên và đời sống của con người. Tuy nhiên, hiện nay, nền ĐDSH của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ mà phần lớn trong số đó gây ra bởi các hoạt động của con người. Chính vì vậy Ngày Quốc tế ĐDSH năm nay được xem là một dịp nhắc nhở các cán bộ môi trường, các cơ quan chức năng cũng như cả cộng đồng trong việc thể hiện cam kết và hành động nhằm bảo vệ các loài ĐVHD góp phần phát triển ĐDSH bền vững ở Việt Nam.
Thu Hà (Theo moitruong.com.vn/ENV)