09/03/2020
Cây Dầu rái có tên gọi khác là Dầu nước, Dầu trai, tên khoa học là Dipterocarpus alatus Roxb. ex G. Don, họ Dầu (Dipterocarpaceae). Đây là cây gỗ lớn, cao tới 30 - 40 m, vỏ cây màu xám trắng. Cành non có lông mịn. Lá mọc so le, hình trứng, dài 10 - 26 cm, rộng 6 - 15 cm, gốc lá tròn hoặc hơi hình tim, đầu lá nhọn, nhẵn ở mặt trên, mép lá và mặt dưới có lông mềm; cuống lá dài 3 - 4 cm, có lông mịn. Lá kèm dài, màu đỏ nhạt, thường rụng sớm. Cụm hoa là chùm đơn hay kép ở kẽ lá, dài 10 - 20 cm. Hoa to, không cuống; 5 lá đài có lông ở cả hai mặt; 5 cánh hoa màu trắng, nhẵn ở mặt trong; nhiều nhị; bầu có lông. Quả có 2 cánh mỏng to, dài 10 - 15 cm, rộng 2,5 - 4 cm, do 2 lá đài phát triển mà thành, lúc non có màu đỏ tươi, khi già màu nâu. Mùa hoa tháng 11 - 12; quả từ tháng 4 - 5.
Quả non cây Dầu rái (nguồn: Internet)
Cây Dầu rái phân bố rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây này mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Nam và cũng được trồng dọc theo các đường phố, công viên để lấy bóng mát. Trên địa bàn ấp Tô An, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) có cây Dầu rái cổ thụ 700 năm tuổi được công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”.
Nhựa dầu và vỏ của cây này được khai thác để làm thuốc. Nhựa dầu hơi thơm, gần giống mùi giấm, gồm có 79,10% tinh dầu và 20,90% nhựa. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là các sesquiterpen.
Theo các nhà khoa học Thái Lan, thành phần hóa học chính của nhựa dầu là sesquiterpen, gồm có α-gurjunen (30,31%), (-) - isoleden (13,69%), alloaromadendren (3,28%), β-caryophyllen (3.14%), γ-gurjunen (3,14%) và spathulenol (1,11%).
Nhựa dầu của cây Dầu rái được dùng chữa viêm niệu đạo, viêm cuống phổi và bệnh lậu (liều 2 - 4g mỗi ngày), nhưng chủ yếu dùng để băng bó vết thương, loét. Người ta cũng dùng nhựa dầu này bôi lên chân những người phải làm việc dưới ruộng nước để phòng bệnh sán vịt. Ở Ấn Độ, nhựa Dầu rái được dùng thay bôm capahu để chữa bệnh lậu. Tinh dầu của nhựa Dầu rái có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn và làm dịu. Vỏ cây dùng để chữa bệnh lậ, viêm gan, thấp khớp.
An Bình