Banner trang chủ

Sếu đầu đỏ bay về đồng cỏ bàng Phú Mỹ

22/03/2019

    Trong những ngày qua, hàng đàn sếu đầu đỏ lại bay về Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, với số lượng đợt nhiều nhất là hơn 54 con. Sếu đầu đỏ ăn cả rễ, củ cây, côn trùng..., nhưng thức ăn mà chúng ưa thích nhất vẫn là củ năng kim mọc nhiều trên các đồng cỏ bàng. Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào đầu mùa khô, nước rút sẽ để lộ ra những bãi đất lớn với những đám năng kim, thu hút đàn Sếu về ăn. Năm nay, Sếu về sớm hơn các năm trước.

 

Đàn sếu đầu đỏ bắt đầu về đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Kiên Giang) sinh sống

 

    Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ nghiêm ngặt, sinh sống chủ yếu ở vùng đất ngập nước, vùng ao hồ hoặc các cửa sông thuộc khu vực thuộc Tiểu lục địa Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Australia. Sếu đầu đỏ được coi là loài chim cao nhất trong số những loài chim biết bay (cao tới 1,6m khi đứng), với bộ lông màu xám, phần đầu màu đỏ đậm, chân đỏ, sải cánh rộng với những điệu múa đôi tuyệt đẹp.

    Trong tự nhiên, sếu đầu đỏ thường sinh sống thành từng cặp như vợ chồng, duy trì mối quan hệ ghép đôi này rất thủy chung. Theo các nhà nghiên cứu, nếu một trong hai cá thể trong một cặp Sếu đầu đỏ vì một nguyên nhân nào đó mà chết đi, cá thể còn lại sẽ sống một mình, không bao giờ ghép đôi với một cá thể khác, thậm chí sẽ nhịn ăn cho tới chết.

    Năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ với diện tích vùng lõi khoảng 940ha và vùng đệm hơn 1.700 ha (nơi có hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở ĐBSCL) để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, nguồn thức ăn và giữ chân đàn Sếu đầu đỏ quý hiếm.

    Ông Nguyễn Phong Vân, Giám đốc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, huyện Giang Thành cho biết thêm: Hàng năm từ tháng 1 đến tháng 4 Sếu thường bay về đồng cỏ bàng Phú Mỹ, với số lượng vài con đến vài chục con. Hiện nay, huyện Giang Thành đang triển khai hàng bao để tạo sinh cảnh cho sếu bay về.

 

Bình Minh

Ý kiến của bạn