16/12/2019
Mới đây, một nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học đến từ Viện Sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) với Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC, Mỹ) và Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (Đức) xác nhận loài cheo leo lưng bạc vẫn còn tồn tại trong môi trường hoang dã ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện loài cheo cheo lưng bạc xuất hiện ở Việt Nam trong gần 30 năm. TS. Lưu Hồng Trường - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Môi trường về hành trình phát hiện ra loài này tại Việt Nam.
PV: Sự xuất hiện trở lại của loài cheo cheo lưng bạc tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Ông có thể giới thiệu đôi nét về đặc điểm sinh thái của loài cheo cheo lưng bạc?
TS. Lưu Hồng Trường: Cheo cheo lưng bạc là một trong 6 loài cheo cheo trên thế giới. Tại Việt Nam có hai loài cheo cheo là cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) và cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil). Các loài cheo cheo là những loài thú móng guốc nhỏ nhất, có hình dáng giống một con hươu nhưng không có tuyến lệ. Toàn thân cheo cheo phủ lông màu nâu đỏ mịn và mượt, trong khi vùng ngực, dưới bụng có 3 vệt lông trắng song song với thân. Con đực và con cái đều không có sừng. Loài này thích sống ở các khu rừng ẩm, phạm vi di chuyển tương đối hẹp, không vào quá sâu trong rừng. Cheo cheo ăn các loại lá, quả nhỏ rơi từ trên cây và các loại hạt. Loài vật này nhút nhát, cô độc, có hai chiếc răng nanh nhỏ, thường nặng dưới 4,5 kg. Mặt nó nhìn giống con chuột. Dựa vào nhiều tài liệu trên thế giới, cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam, chưa nơi nào khác ngoài Việt Nam có công bố ghi nhận sự hiện diện của loài này ở ngoài tự nhiên. Vì vậy, có thể nói, đây là một loài thú đặc biệt quý hiếm không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.
Loài cheo cheo lưng bạc được phát hiện thông qua bẫy ảnh
PV: Xin ông có cho biết về hành trình tìm kiếm và phát hiện loài cheo cheo lưng bạc tại Việt Nam?
TS. Lưu Hồng Trường: Loài cheo cheo lưng bạc lần đầu tiên được biết đến và mô tả bởi các nhà khoa học vào năm 1910, sau khi 4 mẫu vật được thu thập quanh Nha Trang. Sau đó, không có ghi nhận về sự tồn tại của loài này cho đến năm 1990, khi người ta thu được xác của một con cheo cheo lưng bạc từ một thợ săn ở miền Trung Việt Nam. Các nhà khoa học nghĩ rằng, loài cheo cheo lưng bạc - nằm trong danh sách 25 loài mất tích đang được tìm kiếm nhiều nhất của GWC - trở thành nạn nhân của ngành buôn bán động vật hoang dã trái phép và đã biến mất trong tự nhiên.
Nhóm nghiên cứu lắp đặt bẫy ảnh
Để có được những hình ảnh tự nhiên của loài cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam, các nhà khoa học đã phải mất rất nhiều công sức trong quá trình phỏng vấn và thu thập thông tin từ người dân địa phương tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam. Sau khi phỏng vấn người dân và nhân viên kiểm lâm gần TP. Nha Trang, các nhà khoa học đã lắp đặt bẫy ảnh tại những khu vực mà người dân địa phương cho biết có sự xuất hiện của cheo cheo lưng bạc. Tại đây, đã ghi nhận 275 bức ảnh về loài vật này. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục thiết lập 29 bẫy ảnh khác trong cùng khu vực và tổng cộng thu được 1.881 bức ảnh về cheo cheo lưng bạc trong 5 tháng vào năm 2018. Khi phát hiện lại loài cheo cheo lưng bạc đã mở ra niềm hy vọng cho những người làm nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên. Đây là một phát hiện rất quan trọng trong giới bảo tồn thiên nhiên.
PV: Để đảm bảo an toàn cho loài này, ông có thể cho biết kế hoạch bảo tồn loài cheo cheo lưng bạc trong thời gian tới, thưa ông?
TS. Lưu Hồng Trường: Có thể nói, mối đe dọa lớn nhất với loài cheo cheo lưng bạc hiện nay là nạn săn bắt, chặt phá rừng và tình trạng xâm lấn của con người. Mật độ đặt bẫy cao khiến loài cheo cheo lưng bạc bị tuyệt chủng một cách âm thầm và đến cuối thế kỷ XX được cho là tuyệt chủng ngoài tự nhiên ở Việt Nam. Việc các nhà khoa học tìm thấy các cá thể cheo cheo lưng bạc ở ngoài tự nhiên trong thời điểm hiện nay là dấu hiệu rất đáng mừng, nhất là môi trường sống, sinh cảnh của nhiều loài động vật quý hiếm đang ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho loài cheo cheo lưng bạc, chúng tôi đã không công bố vị trí chính xác phát hiện ra chúng. Hiện nay, Viện Sinh thái học miền Nam cùng các đơn vị đối tác đang muốn triển khai, mở rộng nghiên cứu để đánh giá cụ thể về quần thể loài cheo cheo lưng bạc trong thiên nhiên Việt Nam, qua đó đưa ra bức tranh toàn cảnh về hiện trạng của loài này. Tiếp theo, chúng tôi sẽ nghiên cứu để xác định được sinh cảnh và vùng mà cheo cheo có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhất, đồng thời bảo vệ được hệ sinh thái, sinh cảnh để chúng sinh trưởng, phát triển một cách an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra những nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này như hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ; đánh giá và tìm mọi biện pháp giảm thiểu những nguy cơ đó. Đối với các cấp chính quyền, cũng cần có kế hoạch tổ chức tuần tra, tăng cường kiểm soát, quản lý, chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; đồng thời có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của người dân đối với việc bảo vệ loài cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam, cũng như nhiều loài động, thực vật khác.
Nguyên Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)