24/05/2018
Ngày 23/5/2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, lần đầu tiên 2 cá thể Mang lớn đã được máy bẫy ảnh ghi nhận tại Quảng Nam trong một hoạt động điều tra và đánh giá đa dạng sinh học khu vực do WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) Việt Nam, Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật Hoang dã Leibniz (IZW) phối hợp cùng cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thực hiện.
Hình ảnh cho thấy 2 cá thể Mang lớn đều đang trong độ tuổi trưởng thành và sinh sản, là minh chứng cho sự tồn tại của Mang lớn tại Quảng Nam, đồng thời mở ra hy vọng về một quần thể có khả năng sinh sản của loài thú quý hiếm này.
Mang lớn được phát hiện ở Quảng Nam
Mang lớn được các nhà khoa học biết đến từ năm 1994 và chỉ được tìm thấy trong dãy núi Trường Sơn, nơi giáp ranh giữa Lào - Việt Nam.
Năm 2016, do số lượng quần thể bị suy giảm quá mức, chủ yếu do đặt bẫy săn bắt trái phép, tình trạng của loài Mang lớn đã được chuyển từ bị đe dọa thành bị đe dọa nghiêm trọng trong sách Đỏ về các loài bị đe dọa.
Cùng với Mang lớn, qua các đợt giám sát đa dạng sinh học do USAID tài trợ, máy bẫy ảnh cũng ghi nhận 64 loài động vật khác, trong đó có nhiều loài ưu tiên bảo tồn như cầy vằn, gấu ngựa, thỏ vằn và tê tê. Anh Nguyễn Văn Thành, Trưởng nhóm hiện trường điều tra đa dạng sinh học chia sẻ: “Việc tìm thấy các loài đẹp và quý hiếm này cho chúng ta hy vọng về đa dạng sinh học của Việt Nam. Mặc dù quần thể các loài thú và chim sống trên mặt đất đang bị suy giảm do nạn đặt bẫy, nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Quảng Nam vẫn là một nơi có tầm quan trọng toàn cầu về đa dạng sinh học.” Anh Thành hiện là nghiên cứu sinh tại IZW, đồng thời nhận được học bổng của Chương trình Russell E. Train Fellowships của WWF.
Các đội nghiên cứu của WWF-Việt Nam và IZW hiện đang mở rộng khu vực khảo sát đa dạng sinh học bằng máy bẫy ảnh, trong đó bao gồm những nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và phía Bắc của tỉnh Quảng Nam.
Thu Hằng