07/02/2020
Theo truyền thống người Việt, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tranh là món đồ Tết được nhiều người quan tâm, mua để treo trong nhà, bởi màu sắc tươi mới, sinh động. Nhờ đó, mà trước đây, các làng tranh như Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Thừa Thiên - Huế) cứ đến Tết lại nhộn nhịp hoạt động in, vẽ tranh rồi mang bán khắp các nẻo chợ quê. Những bức tranh được thực hiện trên các chất liệu thiên nhiên gần gũi, tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường về phong cảnh làng quê, các loài vật, qua đó gửi gắm những tâm tình, ước mơ về cuộc sống no ấm, tươi vui.
Làng Sình nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 10 km về phía Đông, còn có tên gọi khác là làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Làng Sình nằm ven bờ sông Hương thơ mộng, có nghề làm tranh dân gian nổi tiếng, mang đậm nét đẹp truyền thống gắn với tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, tranh làng Sình đã có từ cách đây hơn 400 năm, trải qua bao biến cố, đến nay, người dân trong làng vẫn đang tiếp tục, phát triển, gìn giữ nghề cổ truyền của cha ông. Ngoài ra, làng còn có nghề làm hương, làm hạt bỏng để cúng. Có lẽ vì thế mà nghề in tranh mộc bản ở làng Sình, ngay từ khi ra đời đã không thuần túy là dòng tranh phục vụ cho các “thú chơi” tao nhã, mà chủ yếu là phục vụ nhu cầu tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người dân, dùng để thờ, sau đó hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.
Cứ vào dịp cuối năm, vào những ngày giáp Tết, không khí làm tranh ở làng Sình lại rất nhộn nhịp, các gia đình tất bật, tranh thủ làm cho kịp hàng bán Tết. Tranh thờ cúng thường được người dân dùng vào lễ cúng ông Táo, Giao thừa, tổ tiên theo tín ngưỡng của người Việt. Các gia đình cúng tranh để cầu cho người yên, vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, “người ốm chóng khỏi”… Tranh làng Sình có bố cục không cầu kỳ, nhưng rất sống động, sắc nét. Để có một bức tranh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Để bức tranh đẹp, bền màu, người dân làng Sình thường quét điệp lên giấy dó. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang, rồi người làm tranh phải tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy. Màu in thì đa phần dùng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, sau đó quá một quá trình xử lý rất cẩn thận, giúp màu tô lên tranh không bị phai. Điều này cũng có nét giống với tranh Đông Hồ, nhưng cũng bao hàm cả những sản vật địa phương, hoặc kinh nghiệm dân gian để có được những sắc thái khác nhau. Do tranh chỉ in thô bằng một bản màu đen rồi tô màu lên bức tranh nên mỗi tác phẩm sẽ không giống nhau. Các màu xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục là chủ đạo tạo nên sắc màu rực rỡ cho tranh làng Sình. Màu sắc tươi tắn cộng với đường nét và bố cục tự nhiên đã làm nên nét đẹp rất riêng cho dòng tranh dân gianđất cố đô. Bút để vẽ tranh là dùng bút chổi, đây là một trong những sản vật điạ phương, được làm từ rễ gốc dứa, sau đó đem phơi và khoanh đầu lột vỏ để chừa phần ruột trong vừa đủ xơ, mềm để có thể ngấm mực phết màu như bút lông. Tranh làng Sình có khoảng 50 chủ đề, được chia làm 3 dòng chính: Tranh nhân vật, đồ vật và súc vật, phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt. Trong đó, tranh nhân vật gồm hai bộ thế mạng và bổn mạng, chủ yếu là tranh tượng bà (tượng đế, tượng chùa, tượng ngang) thường dùng dán trên bàn thờ quanh năm. Ngoài ra, còn có tranh vẽ hình đàn ông, đàn bà, tranh ông Điệu, ông Đốc được treo trên xà nhà, gọi là trang bổn mạng, giúp giải hạn cho gia chủ; tranh tượng Bếp (tờ Bếp) là những bức tranh in hình 3 người ngồi trên trang bếp là bà Thổ Kỳ, hai ông Thổ Công, Thổ Địa; xung quanh là hình các khí dụng, vật phẩm, kẻ hầu người hạ. Bên cạnh đó, còn có các bộ tranh thờ thần để cầu an cho người dân như tiên sư, ông Điệu, ông Đốc, bà Thủy, tam vị Phạm Tinh… Tranh đồ vật chủ yếu vẽ hình áo quần, tiền, dụng cụ… để đốt cho người cõi âm. Tranh súc vật có nét độc đáo riêng, vẽ về các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa, gia cầm và 12 con giáp, gồm: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo. Dòng tranh loài vật, dùng để cúng tế, hoặc treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, phát triển; tranh có hình các con thú như voi, cọp để dâng cúng nơi các miếu nhằm tỏ lòng thành kính của con người với các loài mãnh thú và cầu mong các mãnh thú này không gây họa cho con người và mùa màng.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (làng Sình) đang in tranh trên bản khắc gỗ
Ngoài ra, hội họa dân gian Việt Nam còn nổi tiếng với làng tranh Đông Hồ, xưa có tên là làng Mái (nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), nằm ngay sát bờ sông Đuống. Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân có thể sáng tạo nên những bức tranh sống động, hài hòa và độc đáo. Quy trình sản xuất tranh cũng có khá nhiều công đoạn phức tạp: Vẽ mẫu, khắc ván, in tranh.
Tranh Đông Hồ được sản xuất theo phương thức đại trà, mỗi mẫu tranh có khi được in ra cả hàng nghìn, hàng vạn bản. Tất cả các khâu làm tranh đều được làm thủ công hoàn toàn. Sau khi hoàn tất việc khắc ván là công đoạn in tranh. Giấy dùng in tranh là loại giấy dó (làm từ vỏ cây dó) với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Loại giấy này được quét lên một lớp hồ điệp để tạo nét sáng óng ánh.
Mỗi bức tranh Đông Hồ tượng trưng cho một câu chuyện hay một biểu tượng dân gian như đám cưới chuột, hứng dừa, đàn lợn âm dương… Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của tranh Đông Hồ chính là Đám cưới chuột, với ý nghĩa, con mèo đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột trong xã hội xưa. Những chú chuột là hình ảnh của người nông dân lam lũ, thật thà, chất phác. Loài chuột vốn ranh ma, tinh quái, đa nghi, luôn cảnh giác với mèo, bức tranh còn có ý nghĩa châm biếm mèo tham của hối lộ. Chính vì thế, bức tranh Đám cưới chuột ra đời nhằm châm biếm đả kích sâu sắc về chế độ phong kiến bất công, cổ hủ, thối nát, luôn chèn ép những người nông dân hiền lành “một nắng, hai sương”.
Trải qua nhiều thăng trầm, thoi quen mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một trong nhiều gia đình Việt Nam. Cùng với đó, do thị hiếu nghệ thuật của công chúng ngày nay đang dần thay đổi dẫn đến việc tranh dân gian Đông Hồ không còn được mến chuộng như ngày trước. Để bảo tồn và phát huy giá trị của dòng tranh này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030. Đề án nhằm mục tiêu khẳng định, gìn giữ và phát huy giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ. Đồng thời xác định hiện trạng và nguy cơ mai một dòng tranh dân gian này, nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã triển khai xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa tranh dân gian Đông Hồ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Trong những năm tới, đề bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian, những làng tranh cần có nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề. Cùng với đó, cần quy hoạch, phát triển làng tranh dân gian trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng để các hộ dân có thể tham gia phát triển. Đồng thời, để tour du lịch tại làng nghề thêm hấp dẫn, các nhà thiết kế, xây dựng sản phẩm cần phải thêm vào chương trình tour các hoạt động đặc sắc như khách du lịch được tham gia vào các lớp học làm tranh, trải nghiệm các công đoạn sản xuất, quy trình để tạo ra một sản phẩm tranh hoàn thiện… Nhiều du khách tự vẽ cho mình những bức tranh riêng. Nhờ đó, những bức tranh dân gian Việt Nam sẽ ngày càng phát triển ở trong nước và nước ngoài… vừa góp phần quảng bá du lịch, sản phẩm làng nghề, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của ông cha. Với những nỗ lực, gìn giữ, bảo tồn sẽ giúp dòng tranh dân gian không bị mai một, có vị trí xứng đáng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Phạm Thị Nhạn - Nam Hưng