03/10/2017
Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) từ lâu đã nổi tiếng với vẻ đẹp của kỳ quan Ngũ Hổ và những câu chuyện huyền thoại. Ngược con đường nhựa lên phía đỉnh Bạch Mã, rẽ vào rừng theo những bậc đá hạ thấp dần sẽ tới một con suối nước trong vắt, từ đó dẫn đến Ngũ Hồ.
Hồ thứ nhất hình thành do một vùng suối được mở rộng và uốn cong như hình lưỡi liềm, dài tới vài chục mét, nước chảy chậm và trong suốt, nên có thể nhìn xuyên tận đáy, đá xếp theo dạng bậc, xen kẽ các khối tảng cuội đủ màu sắc. Hai bồn thu nước màu xanh thẫm làm tăng thêm cảm giác lạnh của một vùng nước có nhiệt độ thấp nhất núi rừng Bạch Mã.
Men triền suối, xuống từng bậc theo chiếc thang được làm từ những cây gỗ, cao khoảng 12 m là hồ thứ hai. Hồ chỉ rộng khoảng vài mét nhưng dài và xoắn theo hướng dòng chảy. Những khối đá granit bị mài mòn từ hàng triệu năm tạo nên các khe, rãnh khá lớn. Bề mặt đá nhẵn, có chỗ đen bóng, có chỗ loang lổ như bức tranh khảm không hài hòa.
Ngũ Hồ nép mình giữa núi rừng Bạch Mã
Hồ thứ ba có hình khá tròn trịa như trăng rằm. Nước sâu dần vào chân thác. Ngọn nước đổ từ độ cao 6 m, mở rộng ở khoảng giữa rồi thu hẹp lại. Những hòn tảng, cuội to viền quanh mép hồ phía dưới. Mạn nước gợn sóng vỗ nhẹ vào bờ đá làm rung rinh bóng mấy cây dương xỉ thân gỗ mọc trên vách dựng đứng phía mặt trời. Những tảng đá to, đường kính khoảng 40 - 70 cm, nhẵn bóng với màu sắc và hình thù kỳ dị càng tô điểm cho sự huyền ảo của vùng hồ. Ngay phía dưới chân hồ là những phản đá nằm ngang, trông tựa mặt biển với những con sóng.
Hồ thứ tư hình ô van nhưng đường viền không mềm mại. Dòng nước bị những tảng đá lớn xẻ rách thành hai, đổ xuống hồ, hình thành hai thác nước. Thác thứ nhất không quá dốc do dòng nước ăn sâu vào đá, tạo nên hình máng đổ nghiêng xuống hồ. Vì vậy, dòng nước cũng không bắn tung mà chỉ vờn cao cách mặt hồ khoảng chừng gang tay. Thác thứ hai nằm bên hữu ngạn và lớn hơn thác thứ nhất, đổ xuống bề mặt khối đá lớn sừng sững làm nước bắn tung và xòe ra trắng xóa. Mặt nước hồ luôn ở trạng thái dập dềnh, những tảng đá gần chân thác luôn ướt đẫm màu xanh đen của một lớp rêu mỏng.
Qua hồ thứ tư, dòng nước tiếp tục uốn mình chảy thêm vài chục mét thì đột ngột đổ mình xuống và tạo nên hồ thứ năm. Đây thực sự là một kiệt tác của thiên nhiên, là sự chạm trổ, khắc họa đan xen giữa nước, đá, cây và không gian trời đất. Bờ hồ là những tảng đá granit màu xám với kích cỡ khá đều, cao tới 2 m. Hồ không rộng, giống như chiếc kèn sắcxôphôn lùn nằm cong giữa thành đá. Dòng thác đổ mạnh nhưng theo từng bậc đá, chảy tràn từ bậc trên xuống bậc dưới rồi đổ ào xuống phần trên của "chiếc kèn". Phần này rộng khoảng 2 m, dài 3 m, sâu trên 2 m và xoáy sâu vào mép đá, tạo nên nét cổ kính và kỳ dị. Dòng nước mặt đập vào đá rồi bật ngược trở lại tạo nên những gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Phần dưới cạn hơn nhưng khá rộng và dài tới 5 m, nước trong suốt, dòng chảy chậm, có thể quan sát rõ từng viên cuội dưới đáy hồ.
Dòng nước chảy thêm một đoạn ngắn rồi đổ tiếp vào hồ hình thoi. Thác đổ xuống hồ chỉ cao khoảng chiều cao một người lớn nên dòng chảy không dữ dội. Phần trong hồ nước sâu, màu xanh đen do thiếu ánh sáng mặt trời. Phía bên này, hình thành một đụn cát sỏi khá lớn và mở rộng dần xuống đáy sâu phía trong, tạo nên bề mặt đáy đơn nghiêng vào chân thác. Đây cũng là phần kết thúc của Ngũ Hồ.
Hoàng Đàn (Tổng hợp)