Banner trang chủ

Nỗ lực bảo vệ Vườn quốc gia Vũ Quang

05/04/2016

     Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang (trước đây là Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang) thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích hơn 56.000 ha với ba loại rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Vườn nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen giữa Vườn quốc gia Pù Mát ở phía Bắ́c và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở phía Nam, cũng là nơi hai loài thú lớn được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới là sao la và mang lớn.

     Tiềm năng đa dạng sinh học

     Về hệ thực vật:

     Theo kết quả điều tra của các chuyên gia trong nước và quốc tế Vũ quang có 76% diện tích rừng là rừng tự nhiên và được chia thành 2 kiểu rừng chính: Rừng kín thường xanh á nhiệt đới phân bố trên độ cao 1000m chiếm 20% diện tích Vườn với 2 loài ưu thế là Pơ mu Fokiania hodginsii và Hoàng đàn Cupressus torulosa; Kiểu rừng xanh kín nhiệt đới dưới 1000m, với trữ lượng cao, nhiều cây gỗ lớn. Đã thống kê được 465 loài thực vật bậc cao với nhiều loài quý hiếm như: Lát hoa Chukrasia tabularis, Lim Erythrophloeum fordii, Trầm hương Aquilaria crassna... và nhiều cây dược liệu quý. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 1.612 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 191 họ và 676 chi ở VQG Vũ Quang. Trong đó, có 94 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ IUCN và Nghị định 32/2006/NĐ/CP của Chinh phủ về việc cấm hoặc hạn chế khai thác, săn bắn hay buôn bán các loài động vật hoang dã. Đáng chú ý, Vũ Quang có tới 686 loài cây được dùng làm thuốc và 339 loài cây gỗ.

 

 

     Về hệ động vật:

     VQG Vũ Quang có hệ động vật rất đa dạng, phong phú, với 94 loài thú thuọc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm, trong đó, có 26 loài thú, 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Mặt khác, Vườn còn có 36 loài thú đặc hữu như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng... Một số loài thuộc nhóm động vật nguy cấp thường xuyên xuất hiện tại đây như Voi Elephas maximus Mang lớn Megamuntiacus vuquangensis, Cheo cheo Tragulus javanicusvà một số loài khỉ, dơi. Đặc biệt, Vườn cũng phong phú các loài rùa sinh sống, nhiêu con đã sổng hàng trăm năm như Rùa hộp trán vàng Cuora galbinifrons, Rùa hộp ba vạch Cuora trifasciata, Rùa núi viền Manouria impressa  Chà vá chân nâu Pygathrix nemaeus, Voọc hà tĩnh Trachypithecus hatinhensis, Vượn má vàng Nomascus gabriellae, Sao la Pseudoryx nghetinhensis... Tuy nhiên, gần đây, số lượng động vật cũng như thực vật đã bị suy giảm đáng kể. Một số loài còn rất ít cá thể hoặc đã bị tuyệt chủng.
     Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

     VQG nằm trên địa bàn 8 xã với 7.588 hộ dân, đặc biệt, có hai xã nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia là Hương Điền và Hương Quang. Người dân đã sinh sống tại đây từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, và đến năm 1993, Nhà nước mới đóng cửa rừng chuyển thành Khu bảo tồn. Chính vì tình trạng dân có trước, quy hoạch sau nên đến nay vẫn còn hơn 700 hộ dân đang nằm ngay trong khu vực vùng lõi của vườn. Đời sống cư dân ở vùng đệm và các xã lân cận với Vườn quốc gia cũng rất khó khăn. Do vậy, một số người dân đã bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi khai thác trộm tài nguyên rừng, săn bắt động vật hoang dã. Trong vòng 10 năm, trên địa bàn Vườn quốc gia Vũ Quang đã xảy ra 8 vụ các đối tượng chống người thi hành công vụ, gây thương tích cho cán bộ viên chức, lực lượng kiểm lâm. Hiện nay, mỗi nhân viên kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý hơn 1.000 ha rừng, do vậy, khó bảo đảm việc bảo vệ rừng tận gốc và bảo vệ động vật hoang dã một cách chặt chẽ.

     Trong những năm gần đây, VQG Vũ Quang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại đây như tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chống săn bắt các loài động vật hoang dã. Ngoài ra, Phòng nghiên cứu khoa học của VQG đã phối hợp với các tổ chức, các viện nghiên cứu nhằm triển khai một số hoạt động điều tra, khảo sát các loài như ong, nhện, dơi, vượn..., lập ô tiêu chuẩn theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Ngoài ra, Vườn cũng đang xây dựng kế hoạch liên kết với các tổ chức quốc tế và phía Khu bảo tồn Nakai Nam Theun của Lào nhằm trao đổi thông tin, thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới và phát triển, mở rộng vùng phụ cận.

 

Trần Tân

 

 

Ý kiến của bạn