Banner trang chủ

Kiến trúc văn hóa trong ngôi nhà sàn của người Mường

01/03/2016

 

     Giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, những nếp nhà sàn vẫn tồn tại hàng nghìn năm như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của nền văn hóa Mường.

     Con đường uốn lượn quanh co vào đến vùng đất Hòa Bình bao giờ cũng qua một cổng trời lớn, một dãy núi đá vôi trải dài trước mặt. Để tìm về không gian văn hóa Mường nguyên bản, ta phải đến bản Giang Mỗ, huyện Cao Phong, cách thành phố Hòa Bình 12km. Dưới chân núi Mỗ thấp thoáng những mái nhà sàn nhỏ bé trong bản làng khói sương. Vào sâu trong bản là một xã hội người Mường thu nhỏ, còn giữ được đầy đủ nét truyền thống lẫn trong không gian văn hóa đương đại ngày nay.

 

 

     Những ngôi nhà đều được dựng dựa lung vào thế đất cao của sườn đồi, sườn núi. Đây chính là nét truyền thống của nười Mường khi chọn địa điểm làm nhà theo tiêu chuẩn cả thế và hướng quy tụ được những tinh khí của trời đất và vạn vật xung quanh để tạo ra những điều may mắn và sức khỏe cho mọi người sống trong nhà.

     Nhà sàn của người Mường đều có hình dáng bên ngoài giống con rùa. Xa xưa, bản Mon nổi tiếng của người Mường là Te Đấc Te Đác, tức là Đẻ Đất Đẻ Nước. Cấu trúc ngôi nhà chia làm 3 phần. Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình. Sàn nhà là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, còn gầm sàn nhà dùng để đựng các dụng cụ sản xuất, nhốt các gia súc, gia cầm. Nhà thường có nhiều cửa sổ, bởi thế nên trong nhà luôn ấm vào mùa đông và mát mẻ, thoáng đãng vào mùa hè. Nhà sàn Mường thường dựng bằng gỗ, những trụ cột, xà ngang thường là những loại gỗ tốt, không bị mục đến hàng trăm năm như gỗ lim xanh, mài, lái. Cột cái luôn là cột dựng đầu tiên bởi đây được coi là cột thiêng, là vị trí đặt bàn thờ tổ tiên ngay sau cột. Tuy nhiên, chỉ có một số nhà mới có bàn thờ tổ tiên, vì theo phong tục của người Mường, chỉ con trai trưởng của dòng họ mới được lập bàn thờ tổ tiên.

     Màn, hay còn được gọi là cầu thang được làm bằng gỗ có hình chữ nhật, hoặc là một thân cây tròn được khoét thành bậc, các bậc thang đều có số lẻ là 3, 5, 7 hoặc 9 bậc, tùy theo độ cao của ngôi nhà. Quan niệm dân gian Mường coi con số lẻ là số may mắn. chỉ khi làm cầu thang trong nhà mồ cho người chết, người ta mới làm cầu thang có số bậc chẵn. Nhà sàn Mường có 2 cầu thang, cầu thang chính được đặt ở đầu hồi bên phải, cầu thang phụ ở đầu hồi bên trái. Ở cầu thang chính dành cho khách đến chơi nhà, hoặc vào những dịp gia đình có việc trọng đại như tang lễ, đám cưới.

 

 

     Một phần không thể thiếu và quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn Mường chính là bếp. Bếp được coi là linh hồn của ngôi nhà sàn Mường, đây không chỉ là nơi chuẩn bị các thức ăn mà còn là nơi diễn ra các hoạt động chính trong gia đình và cộng đồng. Bếp chính được đặt bên trong và gian dưới nhà sàn, nơi có cửa sổ và gần vại nước. Ở gian khách cũng có một bếp phụ, chỉ dùng để sưởi, hong khô các vật dụng và đun nước pha trà. Trên bếp chính ở gian trong, người ta làm một cái giá treo cao và vững chắc để sấy khô các lương thực, thực phẩm như ngô, lúa, thịt trâu, thịt bò.

 

 

     Với dân tộc Mường, không đâu mộc mạc, gần gũi hơn những ngôi nhà truyền thống bởi đó chính là nơi họ được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng trong chiếc nôi văn hóa tràn ngập sắc màu, là tài sản của cha ông, tổ tiên họ. Hơn cả, đó là linh hồn, văn hóa hội tụ của cả một dân tộc Mường qua hàng thế kỷ.

 

Bảo Bình

 

Ý kiến của bạn