15/05/2019
Quảng Bình là điểm đến đặc sắc với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đã và đang từng bước tạo nên thương hiệu riêng cho ngành Du lịch nơi đây, đó là khám phá, chinh phục các hang động, trong đó có hang Tiên 2.
Nằm ở xã Cao Quảng, hang Tiên là hang động cuối cùng và lớn nhất trong hệ thống hang động Tú Làn, được tạo thành do sự kiến tạo địa chất từ các núi đá vôi, dòng nước ngầm ăn sâu vào lòng núi đá, trước khi chảy ra sông Rào Nan, nhập vào sông Gianh - con sông dài nhất Quảng Bình để ra biển. Theo truyền thuyết, hang Tiên được cho là nơi tiên nữ xuống trần gian dạo chơi. Vì mải mê ngắm vẻ đẹp của hang, các nàng đã quên đường về trời. Do đó, sau khi được phát hiện, hang động được gọi là hang Tiên. Với chiều dài gần 3 km, hang Tiên gồm 2 nhánh là Tiên 1 và Tiên 2, được ngăn cách nhau bởi một khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ.
Hang Tiên 2 nằm trên địa phận xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, được phát hiện vào năm 2015 và Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh hoàn tất khảo sát vào tháng 3/2016. Hang Tiên 2 nằm giữa những dãy núi lớn, bên dưới tán cây rậm rạp. Để đến được hang, du khách phải băng rừng, vượt suối, qua những lối mòn, con đường lầy lội của vùng giáp ranh giữa 2 huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa. Xét về loại hình hang động, hang Tiên 2 thuộc loại hang động khô, chỉ tạo suối vào mùa lũ, có chiều dài khoảng 2.500 m và sâu 94 m. Cửa vào hang nhỏ, chỉ khoảng 3 m chiều cao và 1,5 m chiều rộng. Tại cửa hang, luồng gió rất mạnh và lạnh. Hang Tiên 2 có 4 vòm hang cao trên 70 m. Vòm chính là một bức tranh nhiều màu sắc, hấp dẫn, dài gần 400 m, cao trên 30 m với những viền đá kỳ ảo. Do cấu tạo địa chất nên cả 2 nhánh Tiên 1 và Tiên 2 được phân thành nhiều đoạn, trần hang cao từ 30 - 100 m, mái vòm tạo hình xoắn ốc. Trên trần và thành hang đều có những đường vân nhiều màu, hình thù độc đáo, với những khối thạch nhũ đủ loại. Nhiều đoạn, trần hang hạ thấp xuống dần theo kiểu mái xiên.
Trên cửa vào hang Tiên 2 là 4 vòm cao trên 70 m
Điều lý thú không thể bỏ qua nữa trong hang Tiên 2 là sự có mặt của những bậc thềm tạo thành từng tầng từng lớp như ruộng bậc thang, kết hợp với ánh sáng ngoài trời tạo nên khung cảnh huyền ảo. Cùng với đó, thế giới thạch nhũ trong hang cũng rất độc đáo. Ngoài bức tường thạch nhũ ngay gần cửa hang, trong hang còn có một số nhũ đá dài đến 4 m, kết hợp với măng đá phát triển từ dưới đất, thành nhiều hình dáng khác nhau, như giống bông sen, kệ sách, tủ đồ, tấm vải, nhánh cây, san hô, hay chùm nho... Thực chất, thạch nhũ và măng đá của hang được hình thành bởi nước chảy từ trần hang xuống sàn đất, làm tan chảy lớp đá vôi khi nước chảy qua. Qua hàng nghìn năm, mỗi giọt nước chứa đầy khoáng chất để lại một lớp canxi mỏng trên trần nhà và trên mặt đất. Theo thời gian, lớp canxi mỏng ngày càng được bồi đắp thêm để tạo thành các cột canxi cacbonat được gọi là nhũ đá, măng đá. Trong quá trình thấm qua các vết nứt và chảy qua đất, nước này hấp thụ ngày càng nhiều lượng khí carbon dioxide từ rễ cây và các sinh vật phân hủy xung quanh. Quá trình này chuyển đổi nước thành axit và giúp đỡ quá trình mở rộng hang động. Nhiều năm sau, khi nước biển rút và hạ thấp mực nước ngầm, quá trình phân hủy đá dừng lại và bị đảo ngược. Những giọt nước bão hòa với đá vôi trên trần hang khiến cho khí cacbon dioxide thoát ra ngoài. Phần đá vôi còn lại được kết tinh lại, tạo ra sự đa dạng các loại nhũ đá mà chúng ta thấy ngày nay. Ngoài ra, nhờ ánh sáng ngoài trời có thể chiếu vào bên trong nên thực vật ở trong hang phát triển tốt, góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên đa sắc màu.
Có thể nói, hang Tiên 2 giống như một thế giới bị lãng quên ẩn giấu trong lòng đất, đem đến cho du khách cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên. Để khai thác có hiệu quả hang động này, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt đề án mở rộng hệ thống hang động Tú Làn đến khu vực hang Tiên và giao cho Công ty TNHH Một thành viên Chua Me Đất (Oxalis) quản lý, khai thác. Hiện Công ty Oxalis đã ký hợp đồng thuê dịch vụ môi trường rừng với địa phương, đồng thời, tổ chức các loại tour tới hang Tiên…
Việc đưa hang Tiên 1 và 2 vào khai thác du lịch chắc chắn sẽ góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, cần phải cân bằng giữa việc khai thác và bảo tồn kiệt tác quý giá này. Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần phục hồi, bảo tồn di sản, đem lại lợi ích kinh tế và tăng cường đối thoại, trao đổi giữa các nền văn hóa. Tuy nhiên, nếu không phát triển đúng hướng, du lịch cũng sẽ gây hư hại cho di sản.
Phạm Thị Lan Anh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)