22/02/2016
Mô hình nuôi ngao quảng canh bền vững đối với cộng đồng địa phương tại VQG Xuân Thủy |
Ngày 2/2/2012 tại Quyết định số 126/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính Phủ đã cho phép VQG Xuân Thủy thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích, trong đó có mô hình nuôi ngao quảng canh ở Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu đối với cộng đồng địa phương. Từ đó, VQG cũng đã nhận được sự ủng hộ từ Dự án Khắc phục trở ngại tăng cường hiệu quả quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (Dự án PA), do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2328/QĐ-BTNMT để thực hiện Dự án hợp phần: “Xây dựng và tổ chức thực thi Đề án thí điểm đồng quản lý chia sẻ lợi ích nuôi ngao quảng canh bền vững đối với cộng đồng địa phương”. Thông qua đó thí điểm xây dựng cơ chế tài chính mới cho VQG Xuân Thủy và cộng đồng khu vực, từ việc thu tiền chi trả dịch vụ môi trường trong sử dụng đất nuôi ngao quảng canh ở khu vực để lập tài khoản môi trường, sau đó chi trả nguồn thu trên cho các đối tượng được thụ hưởng theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định.
Trải qua thời gian xây dựng Đề án và tổ chức nhiều hội nghị tham vấn các bên liên quan, ngày 23/1/2015, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 119/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án thí điểm đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc VQG Xuân Thủy.
Trong nội dung của Đề án thí điểm đã xác lập cơ chế đồng quản lý giữa VQG Xuân Thủy với chính quyền và cộng đồng địa phương khi triển khai mô hình nuôi ngao quảng canh tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu. Với cơ chế đồng quản lý này, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện Đề án đã được thể chế rõ ràng. Cũng trong Đề án, UBND huyện Giao Thủy đã được UBND tỉnh Nam Định giao nhiệm vụ giúp VQG triển khai ký hợp đồng chia sẻ lợi ích thông qua việc cho phép các đối tượng cộng đồng sử dụng đất mặt nước để nuôi ngao quảng canh ở khu vực. Đồng thời, thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo thỏa thuận, nộp vào quỹ môi trường của VQG Xuân Thủy. Quỹ môi trường này sẽ tiến hành chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, sau Quyết định phê duyệt Đề án của UBND tỉnh, khi tổ chức thực thi Đề án trên thực tế, vẫn có những khó khăn trở ngại phát sinh, đặc biệt là vấn đề thu phí để thực hiện cơ chế tài chính mới cho VQG Xuân Thủy và cộng đồng địa phương, vì đã có chính sách mới từ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc miễn thu các khoản phí để hỗ trợ phát triển nghề thủy sản trong tình hình mới. Mặc dù, tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 2/1/2003, Thủ Tướng Chính phủ đã giao toàn bộ diện tích 7.100 ha trên vùng bãi triều thuộc cửa sông Hồng cho VQG Xuân Thủy thực hiện mục tiêu quản lý bảo tồn thiên nhiên, trong đó có diện tích nuôi ngao quảng canh ở Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu mà cộng đồng địa phương đã và đang canh tác.
Để tiếp tục giải quyết vấn đề trên, ngày 5/10/2015, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 7991 /VPCP-KTN về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, trong đó cho phép VQG Xuân Thủy và các VQG thực hiện thí điểm cơ chế Chia sẻ lợi ích trong quản lý bảo tồn rừng đặc dụng tiếp tục được thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích theo Quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ.
Theo đó, ngày 7/10/2015, Ban quản lý VQG cùng với UBND huyện Giao Thủy tổ chức hội nghị tham vấn cộng đồng về việc thỏa thuận mức thu nộp chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các chủ hộ nuôi trồng nhuyễn thể ở khu vực. Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận để Ban quản lý lập Tờ trình trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Phương án thu chi thực hiện Đề án thí điểm. Ngày 23/10/2015, tại Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND, UBND tỉnh Nam Định đã cho phép VQG triển khai phương án thu chi thực hiện Đề án thí điểm đồng quản lý nuôi ngao quảng canh tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý lâu dài, giúp VQG cùng với cộng đồng địa phương thực hiện cơ chế đồng quản lý, chia sẻ lợi ích và thí điểm cơ chế tài chính mới cho khu vực một cách bền vững.
Hiện tại, UBND huyện Giao Thủy cùng các bên liên quan đang nỗ lực hoàn thành các công việc còn lại của Đề án. Như vậy, một rào cản cũ tồn tại nhiều năm ở VQG Xuân Thủy đã được dỡ bỏ. Đây cũng là minh chứng về hiệu quả của những chính sách thích ứng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển ở khu vực VQG Xuân Thủy.
Hy vọng, mô hình đồng quản lý chia sẻ lợi ích và thí điểm cơ chế tài chính mới cho VQG Xuân Thủy sẽ là chìa khóa giúp VQG tiếp tục hoàn thiện các cơ chế quản lý thích hợp, đáp ứng yêu cầu kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở khu vực. Đồng thời cũng giúp cho Chính phủ hiện thực hóa cam kết quốc tế ở VQG - Khu Ramsar quốc tế Xuân Thủy và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bài học về cơ chế quản lý mới ở Xuân Thủy sẽ góp phần cho cơ quan quản lý Trung ương xây dựng chính sách bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước của quốc gia hiệu quả và khả thi hơn trong tương lai.
Nguyễn Viết Cách - Giám đốc
Vườn quốc gia Xuân Thủy
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)