14/01/2019
Ngày 11/1/2019, Tổ chức Động vật Châu Á và UBND tỉnh Đắk Lắk (Ủy quyền cho Sở NN&PTNT Đắk Lắk) đã ký Thỏa thuận hợp tác Về việc thực hiện Dự án Bảo tồn voi Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, Tổ chức Động vật Châu Á cam kết tài trợ cho Trung tâm Bảo tồn (TTBT) Voi tại Đắk Lắk, với tổng kinh phí tương đương 60.000USD, trong thời gian 3 năm từ tháng 1/2019 - 1/2022.
Mục tiêu của Thỏa thuận là nhằm tăng cường phúc lợi cho voi, hỗ trợ công tác bảo tồn voi và động vật nói chung tại tỉnh Đắk Lắk; nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn các loài động vật. Mục tiêu cụ thể gồm: Xây dựng cơ sở chăm sóc, quản lý voi phù hợp; Nâng cao năng lực chăm sóc voi cho nhân viên TTBT voi; Tăng cường năng lực cứu hộ và bảo vệ voi hoang dã và voi nhà; Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn voi, bảo vệ động vật và phúc lợi động vật.
Nội dung các hoạt động gồm: Tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm với TTBT Voi trong việc xây dựng kế hoạch công việc cho nhân viên, đảm bảo an toàn cho voi và nhân viên của Trung tâm, và đảm bảo phúc lợi cho voi; Nâng cao năng lực cứu hộ, bảo vệ voi hoang dã và voi nhà sống trong các điều kiện thấp dưới mức tiêu chuẩn, nhằm phục vụ các mục đích bảo tồn, đảm bảo phúc lợi động vật; Nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực trung tâm bảo tồn; Hướng tới mục tiêu thay thế du lịch cưỡi voi bằng mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.
So với Thỏa thuận trước đó được ký kết cũng bởi 2 đơn vị này (vào ngày 23/5/2016) với trị giá 50.000USD, tập trung vào các mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng chăm sóc thú y cho bác sĩ thú y và nhân viên trực tiếp chăm sóc voi của TTBT Voi tỉnh Đắk Lắk, đây có thể coi là giai đoạn 2 của dự án, với các hoạt động hợp tác được mở rộng hơn.
Hiện tại, Đắk Lắk là tỉnh có số lượng voi, cả đàn voi hoang dã và voi nhà nhiều nhất trên cả nước. Theo các thống kê, quần thể voi hoang dã tại Việt Nam hiện tại chỉ còn khoảng từ 100 - 130 cá thể được coi là thiếu bền vững trong tự nhiên và đang phải đối mặt với tình trạng săn bắn, mất môi trường sống do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp và chưa có trường hợp voi nhà nào sinh sản thành công, sống sót trong hơn 30 năm qua. Trong khi đó, quần thể voi nhà tại Đắk Lắk cũng như trên cả nước nói chung đang ngày càng già yếu, bị khai thác cho hoạt động du lịch cưỡi voi tại các khu du lịch là một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn voi và phúc lợi động vật.
Vũ Hồng