25/08/2017
Ngày 24/8/2017, Tại Hải Phòng, trong khuôn khổ Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo khoa học "Giá trị và các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà”.
Hội thảo là cơ hội để xác định các giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; cập nhật dữ liệu và thông tin đa dạng sinh học tập trung vào nhóm sinh vật ít được nghiên cứu; thảo luận các biện pháp quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học khu vực vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Tháng 6/2017, theo đề nghị của TP.Hải Phòng, các chuyên gia quốc tế đã đến Hạ Long, Cát Bà khảo sát và đánh giá hiện trạng các giá trị nổi bật của vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, đặc biệt tập trung vào các giá trị địa chất và đa dạng sinh học tại khu vực này. Đây là một phần trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đề cử mở rộng vịnh Hạ Long bao gồm Quần đảo Cát Bà.
Kết quả khảo sát của các chuyên gia đã cho thấy, sự phức tạp của quá trình chuyển biến không ngừng của thềm đá vôi từ lúc là vùng đất liền đến khi hoàn toàn trở thành vùng biển tại khu vực vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Với sự đa dạng về các loài động, thực vật…, các giá trị của khu vực này cần được công nhận là giá trị nổi bật toàn cầu.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các nhà khoa học trong nước cũng đã đưa ra những nghiên cứu về đa dạng sinh học trong các hang ngầm và hồ nước mặn, tạo nên sự đặc trưng của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; trình bày về các nhóm loài mới như: lưỡng cư, bò sát, dơi, và các loài ít được nghiên cứu khác, đặc biệt kết là kết quả bảo tồn các nhóm loài đặc hữu như voọc Cát Bà, Sơn Dương...; quần thể đảo đá vôi Hạ Long - Cát Bà, với 2.400 đảo đá vôi lớn, nhỏ, bao gồm các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, bãi cát biển, bùn triều, tùng, áng, rạn san hô… Các nhà khoa học cũng đề xuất các giải pháp tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Hạ Long như: Tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, chú trọng bảo vệ các loài đặc hữu như voọc Cát Bà, sơn dương và các loài quý hiếm khác; Thực hiện hoạt động nghiên cứu, phục hồi các giá trị trài nguyên rừng và biển; Tiến hành phân vùng chức năng để bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực vịnh Hạ Long- quần đảo Các Bà….
Với nguồn vốn hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID), Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà được khởi xướng vào năm 2014 nhằm xây dựng cơ chế hợp tác đối tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà. Năm 2015, Liên minh thành lập Ban lãnh đạo với định hướng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, giải quyết một số vấn đề môi trường liên quan đến các doanh nghiệp du thuyền, hỗ trợ kỹ thuật cho UNESCO trong công tác quản lý Vịnh Hạ Long cũng như đề xuất mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà.
Giai đoạn một của dự án, Chính phủ Mỹ đã cung cấp tài chính cho Liên minh Hạ Long - Cát Bà thông qua USAID với hai khoản tài trợ cho một tổ chức môi trường quốc tế là Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), và một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam là Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD). Trong giai đoạn hai, USAID sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho IUCN, trước hết, để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào Liên minh nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và bảo vệ Di sản; hỗ trợ nhà nước ban hành các quy định chính sách để thúc đẩy các hoạt động này.Tiếp theo là, hỗ trợ tái đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mở rộng nhằm tăng thêm uy tín cho Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó tác động đến công tác quản lý môi trường của Khu di sản mới được tái đề cử.
Châu Loan