Banner trang chủ

Giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng

03/04/2016

     Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng bao gồm dải ven biển rộng lớn các hệ sinh thái, thuộc địa giới hành chính của 6 huyện Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Có hai vùng lõi là Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Bao quanh 2 vùng lõi là các vùng đệm, vùng chuyển tiếp và một vùng hành lang. Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển là trên 105. 000 ha, với hơn 128 nghìn cư dân sinh sống.

      UNESCO đã công nhận đây là nơi cư trú của rất nhiều loài chim nước và chim di cư quý hiếm, là hệ sinh thái đất ngập nước điển hình ở cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, đây còn là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á áp dụng mô hình đồng quản lý giữa 3 tỉnh với phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý một vùng đất ngập nước rộng. 

     Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của UNESCO đã công bố, có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước đã và đang cư trú tại khu vực này. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như cò mỏ thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc… Đặc biệt, cò mỏ thìa - một loài chim di cư đặc biệt quý hiếm mà trên toàn thế giới chỉ còn vài trăm cá thể.  Sự xuất hiện của loài cò mỏ thìa ở Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm khác biệt so với các khu vực rừng ngập nước trên thế giới. Vì thế, Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng được quốc tế công nhận là khu Ramsar - khu bảo tồn các loài chim di cư có tầm quan trọng quốc tế. 

 

Cù kỳ, một trong các loài động vật tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN)


      Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng cũng sở hữu những cánh rừng ngập mặn rộng hàng nghìn ha, khu đầm lầy ngập mặn, các khu bãi bồi ven biển và cửa sông. Những cánh rừng ngập mặn nơi đây được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, xóm làng khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng, sinh đẻ của các loài hải sản, cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú cùng với khoảng 500 loài động, thực vật thuỷ sinh và cỏ biển. Nhiều loài thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng…
     Do vậy, bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng là mục tiêu quan trọng luôn được cộng đồng dân cư, các nhà khoa học, Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2013 - 2018, tăng cường đồng quản lý hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng, nhằm vừa thực hiện tốt công tác bảo tồn, duy trì sinh kế cộng đồng bền vững, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu ở khu vực này.
     Phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, đặc biệt là các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế các bon thấp được cho là những giải pháp tốt và khả thi đối với Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Có như vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của một khu dự trữ sinh quyển thế giới mới đạt được hiệu quả lâu dài và bền vững.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn