07/01/2016
Cách thủ đô Hà Nội gần 100 km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7 km, quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính là một trong những địa điểm du xuân hấp dẫn nhất miền Bắc, nằm trong danh sách lựa chọn du xuân hàng đầu của du khách gần xa.
Dịp mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch khi thời tiết giao mùa ấm áp cũng là thời điểm đẹp nhất để đi Bái Đính, Tràng An. Bạn có thể kết hợp du xuân vãn cảnh, lễ chùa cầu may và tham gia các lễ hội lớn ở cả Tràng An và Bái Đính và hay hơn cả là đi chùa vào buổi sáng rồi chiều xuống khu Tràng An để đi được hết các điểm tham quan nơi đây.
Khu du lịch sinh thái Tràng An - nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình - có diện tích 2168 ha. Toàn cảnh khu sinh thái là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc, nối liền các hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí, đẹp đến lạ thường.
Bến thuyền là nơi khởi đầu cho một chuyến du ngoạn bằng thuyền để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Tràng An. Vào mùa lễ hội đầu năm, nơi đây, trên bến dưới thuyền vô cùng tấp nập. Từng chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc chở 4-5 người sẽ đưa du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, tham quan các di tích lịch sử như Đền Trình (hay còn gọi là miếu Trình), ngôi đền nghìn tuổi nổi tiếng linh thiêng ở Ninh Bình hay đền Trần, một ngôi đền đá cổ, xây dựng năm 968 để thờ một vị tướng từ đời vua Hùng thứ 18.
Đến với Tràng An, du khách sẽ được trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc, khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và tinh tuý cùng bầu không khí thanh như lọc và tự hào với những nét vàng son của lịch sử in đậm trong thế núi, dáng sông ở buổi đầu sơ khai của quá trình dựng nước của ba triều đại Vua sáng: Vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và vua Lý Thái Tổ.
Nơi đây vào mỗi dịp mùa lúa chín, các cánh đồng dưới chân núi ngả một màu vàng rực, thấp thoáng xung quanh là những mảng xanh của lá cây tạo nên một khung cảnh rất thơ.
Cùng với Tràng An, khu du lịch văn hóa chùa Bái Đính nằm ở xã Gia Sinh, cách thành phố Ninh Bình 15 km được coi là một trong những khu du lịch trọng điểm và hấp dẫn nhất của tỉnh.
Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa đẹp nhất Đông Nam Á, ngôi chùa của những kỷ lục như chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chùa có nhiều tượng La Hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất...Xuân về, người dân bốn phương lại tấp nập về đây hành hương, trước là lễ Phật, cầu bình an, sau là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp “có một không hai” của ngôi chùa rộng nhất Việt Nam này.
Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hóa và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…Trong tên gọi Bái Đính, "Bái" có nghĩa là lễ bái, còn "Đính" nghĩa là đỉnh, Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Phật thánh ở trên cao.
Bái Đính cổ tự nằm trên núi Đính, cao 187 m, được xây dựng cách đây hơn 1000 năm. Bước qua hơn 300 bậc đá bằng phẳng xếp chồng lên nhau, qua cánh cổng tam quan lưng chừng núi là đến trung tâm chùa Bái Đính cổ. Khu chùa này quay hướng chính Tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, bên phải là hang Sáng thờ Phật và thần Cao Sơn, bên trái là động Tối thờ Mẫu và Tiên. Chùa được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa nằm trong hang động khá phổ biến ở Việt Nam.
Sau khi chiêm bái, thăm Bái Đính cổ tự, du khách đi theo một lối đi nhỏ vòng qua triền núi dài chừng 1 km tới khuôn viên Bái Đính tân tự. Ngôi chùa mới tọa lạc trên triền đồi Ba Rau huyền thoại dưới chân núi Đính, ngọn núi cao nhất hùng vĩ nhất trong vùng. Phía trước chùa được các ngọn núi hùng vĩ núi quây quần ôm lấy tạo như hình chữ Tâm. Vị trí chùa cũng được đặt theo thuyết phong thủy cổ, tiền thủy hậu sơn, phía trước là hồ Đàm Thị và sông Hoàng Long.
Gây ấn tượng với nhiều du khách là 500 pho tượng La Hán được đặt dọc hai bên hành lang dẫn từ Tam quan lên Tam thế điện. Hai dãy hành lang này có chiều dài mỗi dãy khoảng 1700m, được xây dựng tượng trưng cho con đường đến với Phật pháp của các vị La Hán. Đây được xác nhận là con đường La Hán dài nhất châu Á.
Nằm trong tuyến du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình: Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương... quần thể chùa Bái Đính và khu di tích Tràng An là những địa danh lịch sử, văn hóa, tâm linh hấp dẫn. Giữa vùng núi non hùng vĩ, giữa sự linh thiêng nơi đất Phật, mỗi người như được tĩnh tâm lại sau những xô bồ của cuộc mưu sinh, thành tâm hướng Phật, hướng tới những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống.
Mai Hương