06/03/2019
Với quan điểm phát triển du lịch trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, đưa kinh tế phát triển một cách bền vững, huyện Mù Cang Chải đã tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang.
Quy hoạch các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh vùng, địa phương như: du lịch chinh phục, khám phá đỉnh Púng Luông; thám hiểm rừng nguyên sinh Chế Tạo; du lịch mạo hiểm bay dù lượn trên đèo Khau Phạ. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh với quần thể Di tích lịch sử đèo Khau Phạ, tham quan di tích lịch sử bãi đá cổ tại xã Lao Chải; khôi phục và tái hiện các lễ hội truyền thống của người dân tộc phục vụ nhu cầu du lịch khám phá văn hóa của du khách với các lễ hội đặc sắc như: lễ hội múa khèn Mông, đám cưới Mông.
Sản phẩm du lịch theo mùa và du lịch nông nghiệp - làng nghề, chú trọng tập trung phát triển các sản vật địa phương như: thổ cẩm, rượu thóc La Pán Tẩn, gạo Séng cù, nếp Tan Cao Phạ, sơn tra, ép tinh dầu cải, mật ong..., đưa các sản phẩm nông nghiệp địa phương trở thành các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Mù Cang Chải.
Mù Cang Chải ngày càng thu hút du khách nước ngoài
Đặc biệt, với các hoạt động du lịch theo mùa, như: mùa nước đổ tháng 4, tháng 5; tuần văn hóa, du lịch, khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang mùa lúa chín tháng 9, tháng 10; mùa hoa cải dầu… đã tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng vùng của địa phương; đi kèm với đó là các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắm ruộng bậc thang.
Đối với một huyện vùng cao mà cộng đồng các dân tộc, trong đó nổi bật là người Mông chiếm số đông, sống nhiều đời như ở Mù Cang Chải thì văn hóa là một sản phẩm đặc thù và chủ lực của địa phương. Đây được xem là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch của huyện với không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các vũ điệu dân gian được bảo tồn như: múa sạp, múa xòe, hát then, hát giao duyên..., hấp dẫn du khách ưa thích khám phá, tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm.
Cùng với đó, lợi thế nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng là người dân bản địa, am hiểu về văn hóa bản địa và được đào tạo bài bản, bảo đảm cho du khách vừa được phục vụ tốt nhất vừa có trải nghiệm nguyên bản về văn hóa địa phương, cũng được xem là nguồn lực tiềm năng để Mù Cang Chải đầu tư hợp lý phát triển lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này.
Trên thực tế, sức hấp dẫn của du lịch cộng đồng, du lịch xanh ở Mù Cang Chải đã được khẳng định trong nhiều năm qua. Năm 2017, Mù Cang Chải đón 7.000 lượt khách du lịch; 6 tháng đầu năm 2018, cũng đã có 3.450 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương này.
Du lịch xanh và du lịch cộng đồng đang làm nên những sản phẩm du lịch đặc sắc mang thương hiệu Mù Cang Chải. Từ định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở bảo tồn cảnh quan, giá trị của danh thắng, Mù Cang Chải đang tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng; mời gọi các doanh nghiêp, nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, đây là địa bàn khó khăn, xa xôi, địa hình hiểm trở, nhiều điểm đến khó tiếp cận, cũng còn rất nhiều khó khăn trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Do vậy, cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng của Nhà nước, sự sáng tạo của địa phương, sự gắn kết chặt chẽ của doanh nghiệp, đặc biệt là nhận thức và hành động của cộng đồng - những yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thanh Huyền (Theo Báo Yên Bái)