29/05/2015
Cù Lao Chàm thuộc Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam, gồm 8 đảo Hòn Lao, Dài, Mồ, Khô Mẹ, Khô Con, Lá, Tai, Ông. Đây là điểm du lịch nổi tiếng, được biết đến với những bãi cát trắng trải dài, biển xanh mát dịu cùng vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của thiên nhiên.
Vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của thiên nhiên Cù Lao Chàm
Các điểm tham quan tại Cù Lao Chàm
Nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm: Có thể nói, điểm ghé thăm đầu tiên của du khách khi đến với Cù Lao Chàm là Nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm. Đây là nơi giới thiệu lịch sử, phong tục tập quán cũng như sản vật biển. Đồng thời, đây cũng là nơi du khách có thể hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của mảnh đất này.
Chùa Hải Tạng là nơi người dân và thương lái thường đến lễ Phật
Chùa Hải Tạng: Được xây dựng từ năm 1758 tại chân núi phía Tây đảo Hòn Lao, là nơi người dân và thương lái thường đến lễ Phật, cầu mong đức Phật phù hộ sức khỏe, con đường làm ăn buôn bán được thuận hòa. Phía bên trong chùa có hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, tượng thờ đồ sộ và một quả chuông lớn.
Giếng cổ Chăm (còn gọi là Xóm Cấm): Được xây dựng theo cấu trúc hình ống tròn, nền giếng hình vuông, lòng kiểu vành khăn, có tuổi đời 200 năm.
Chợ Tân Hiệp: Nằm sát cầu cảng, gần bến cá Bãi Làng, được chia làm hai phần riêng biệt, khu trong bán nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân và khu ngoài bán hải sản, đồ lưu niệm.
Ngoài ra còn có đảo Yến, miếu tổ nghề Yến, các bãi Đá Chồng, Xếp, Ông, Làng là điểm tham quan lý tưởng của Cù Lao Chàm.
Một số lễ hội truyền thống ở Cù Lao Chàm
Lễ hội cầu ngư: Diễn ra vào các ngày 3,4 tháng 4 âm lịch, là dịp để người dân khấn vái thần biển, cầu mong một năm bình yên, ngư dân thuận buồm xuôi gió, đánh bắt bội thu.
Lễ giỗ tổ nghề Yến
Lễ giỗ tổ nghề Yến: Tổ chức trong hai ngày 9 - 10 tháng 3 âm lịch với các hoạt động đua ghe ngang, kéo co bằng thuyền, giao lưu văn nghệ… Là dịp tưởng nhớ những người có công trong nghề khai thác yến sào, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển, đảo.
Thu Hằng