Banner trang chủ

Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh: Xác định nhiều giá trị địa mạo độc đáo

14/03/2019

    Giá trị cốt lõi của công viên toàn cầu tập trung vào 15 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên nhằm thực hiện các sứ mệnh bảo tồn và phát triển bền vững, trong đó có bảo tồn di sản địa chất và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hiểu biết về biến đổi khí hậu, giảm hiểm họa về địa chất, bảo tồn đa dạng sinh học, di sản văn hóa, giáo dục, phát triển bền vững, lưu giữ các kiến thức địa phương và bản địa, giám sát và đánh giá…

 

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhìn từ biển

 

    Từ tháng 1/2018 đến nay, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh tiến hành nhiều đợt khảo sát, đánh giá. Đã có 11 đợt khảo sát đánh giá về khoáng sản, địa mạo cảnh quan, địa văn hóa tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện nay, đã có 1.130 điểm được khảo sát ở Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, lấy mẫu 189 mẫu lát mỏng, 100 mẫu địa hóa, 69 mẫu giã đãi.

    Qua khảo sát, 110 vị trí di sản nhằm định tuyến du lịch cho khu vực công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã xác định 81 vị trí di sản có nhiều giá trị địa mạo độc đáo, tạo nên cảnh quan kỳ thú cho thưởng ngoạn. Trong đó, chia thành 4 cụm: Cụm di sản đảo Lý Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp, là bảo tàng tự nhiên về núi lửa, về san hô và điều kiện cổ môi trường; cụm di sản ven biển phía Bắc Quảng Ngãi gồm bãi biển đẹp, các vách bazan dạng cột, các bậc thềm mài mòn và ngấn nước biển; cụm di sản phía Nam Quảng Ngãi có di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, đầm nước ngọt, nước mặn; cụm di sản khu vực Trà Bồng với thác nước, núi, đèo hùng vĩ.

    Để Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, Quảng Ngãi còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, ngành Văn hóa thể thao và Du lịch cần hoàn chỉnh định tuyến du lịch, thiết kế nội dung biển, bảng giới thiệu các điểm di sản, điểm dừng chân; triển khai hoạt động truyền thông cho cán bộ các cấp, cộng đồng và trường học; xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền bảo tồn di sản địa chất và văn hóa; tham gia các hoạt động của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, mạng lưới Công viên Địa chất Việt Nam… Các chuyên gia thống nhất, đề xuất tỉnh Quảng Ngãi cho phép lập Ban Quản lý chuyên trách cho Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

     Hiện Quảng Ngãi đang tập trung hoàn thiện và dự kiến nộp hồ sơ Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho UNESCO tháng 11/2019. Sau đó, địa phương tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là Công viên Địa chất toàn cầu.

 

Châu Long

Ý kiến của bạn