21/05/2018
Các chuyên gia lâm, sinh học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tiến hành khảo sát thực địa tại vùng rừng núi huyện Tây Giang (Quảng Nam), nhằm kiểm định hồ sơ để xét công nhận tập đoàn cây Đỗ Quyên cổ thụ trên đỉnh núi K’ Lang là Cây Di sản Việt Nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT và tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Các chuyên gia không chỉ đo đạc thực tế, khoan xác định tuổi của 3 cây cổ thụ (2 cây đa và 1 cây dổi) cùng một số cá thể điển hình trong tập đoàn cây Đỗ Quyên phân bố trên đỉnh núi K’ Lang (cao 2005 m) thuộc xã Tr”hy mà còn khảo sát và phát hiện được nhiều tiềm năng khác về đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, cùng những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là tiềm năng phát triển cây thuốc và du lịch của huyện Tây Giang.
Một gốc cây Đỗ quyên tại độ cao 1800m (Ảnh: VACNE)
Những ý kiến tư vấn của các chuyên gia dựa trên những dẫn liệu cụ thể vừa phát hiện được trong quá trình khảo sát, cũng như những căn cứ khoa học về tiềm năng đa dạng sinh học của huyện, đã nhận được sự đồng thuận của các vị lãnh đạo địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bh’Ling Mia khẳng định sẽ trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn chỉnh số liệu và hồ sơ để Hội đồng Cây Di sản Việt Nam xem xét, công nhận trong thời gian ngắn nhất, cũng như truyền đạt những gợi mở của chuyên gia tới đông đảo cán bộ và đồng bào các dân tộc địa phương về sự kiện này.
Theo đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực để bảo tồn tập đoàn cây Đỗ Quyên cổ thụ trên đỉnh K’ Lang và các loài cây quý hiếm khác, bảo vệ nghiêm ngặt cảnh quan môi trường mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tây Giang, để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
An Vi