13/05/2019
Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một trong số những khu bảo tồn biển hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, sức ép từ du lịch cũng đang làm ảnh hưởng đến môi trường của khu bảo tồn biển, cũng như công tác bảo vệ đa dạng sinh học tại đây.
Theo số liệu của Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Hội An, đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Cù Lao Chàm đón gần 21.000 lượt khách đến tham quan du lịch, bình quân mỗi ngày khoảng 4.200 người ra đảo. Cao điểm nhất, ngày 29/4 gần 5.500 lượt khách đã “đổ bộ” lên đảo. Năm 2018, Cù Lao Chàm đón khoảng 420.000 khách. Dự kiến, năm nay lượng khách sẽ tương đương và cao hơn năm ngoái. Những con số được xem là “khủng khiếp” nếu so với 2.400 dân trên đảo.
Khách du lịch gia tăng đã tạo áp lực lên các tài nguyên và môi trường của Cù Lao Chàm, nhất là nguồn nước ngọt. Hiện toàn bộ dân cư đảo Cù Lao Chàm phụ thuộc vào bể nước 80 ngàn m3 đặt tại Bãi Bìm cộng với một số khe suối nhỏ chảy ra từ các cánh rừng cùng hệ thống giếng cổ trên đảo. Nguy cơ thiếu nước luôn thường trực trong những tháng mùa hè nắng nóng. Đáng lo ngại, kết quả khảo sát cho thấy những năm gần đây lượng nước ngầm trên đảo Cù Lao Chàm đang tụt rất mạnh. Nước ngầm hạ sâu khiến việc lấy nước càng khó khăn hơn, các mạch nước rỉ ra ở các khe suối, ở Bãi Bìm ngày một ít hơn. Trong khi đó nhu cầu của người dân không giảm mà tăng nhanh chóng, chủ yếu từ các hoạt động du lịch, từ lượng người ra đảo.
Bãi rác lộ thiên tại Eo Gió đã gần đầy nhưng không thể tìm được vị trí mới
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, Cù Lao Chàm còn phải đối mặt với tình trạng quá tải rác sinh hoạt từ hoạt động du lịch. Bình quân mỗi ngày có khoảng 4 tấn rác được thải ra môi trường, chủ yếu từ hoạt động du lịch. Hầu hết, rác được xử lý theo phương pháp thủ công là rác hữu cơ được đốt tại lò, rác vô cơ phải đốt lộ thiên và chôn lấp. Hiện nay, bãi rác lộ thiên tại Eo Gió cũng đã gần đầy, trong khi chính quyền không tìm được vị trí mới để đào hố xử lý.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, những năm gần đây, du khách đến với Cù Lao Chàm ngày càng nhiều. Bên cạnh những vấn đề nước sạch, xử lý rác thải, việc quá tải lượng khách còn gây áp lực cho công tác bảo tồn. Để có nguồn thức ăn phục vụ cho lượng du khách “khổng lồ” sẽ gia tăng nguy cơ đánh bắt, tận thu các loại hải sản, suy giảm đa dạng sinh học.
Từ năm 2015, nhằm hạn chế khách ra đảo để giảm áp lực môi trường cho khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chính quyền thành phố Hội An đã ban hành một số quy định như “Cấm quay đầu” đối với các doanh nghiệp vận chuyển khách tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, khống chế lượng khách ra đảo mỗi ngày 3.000 người. Đồng thời, tăng phí tham quan đảo từ 30 nghìn đồng lên 70 nghìn đồng. Tuy nhiên, áp lực từ du lịch lên đảo không vì thế mà giảm đi. Cao điểm những ngày nghỉ, lễ Cù Lao Chàm vẫn phải phục vụ hơn 5.000 lượt khách. Thu nhập chủ yếu của người dân đảo hiện nay là làm du lịch với trên 80% người dân sống dựa vào các hoạt động du lịch. Nhưng không vì thế mà Cù Lao Chàm bất chấp để kéo thêm khách du lịch ra đảo.
Về việc TP.Đà Nẵng đơn phương ban hành hoặc triển khai Kế hoạch 2162 (về phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa TP. Đà Nẵng giai đoạn 2019 - 2021, trong đó có lộ trình sông Hàn đi Cù Lao Chàm), ông Sơn cho rằng Hội An hết sức lo lắng vì như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch của Hội An về lượng đến đối với Cù Lao Chàm. Với những phương tiện to sẽ làm cho lượng khách đến Cù Lao Chàm tăng hơn 3.000 người, kèm theo đó là những bất cập khác. Quan điểm của chính quyền Hội An nếu Đà Nẵng muốn đưa khách ra Cù Lao Chàm thì phải có sự bàn bạc cụ thể với tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An để đảm bảo số lượng khách không quá cao, không gây áp lực lên môi trường, không gây áp lực lên đa dạng sinh học của Cù Lao Chàm. Đây không chỉ là việc kết nối điểm du lịch này đến điểm du lịch khác mà nó còn là vấn đề đảm bảo bảo tồn của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Quan điểm của thành phố là chú trọng vấn đề bảo tồn chứ không phải khai thác hay triển khai các dự án. Mục tiêu sắp đến của thành phố là đầu tư nhà máy lọc nước biển nhằm cung cấp nước ngọt cho đảo.
Bích Hồng