24/05/2014
Đông Ngạc nổi tiếng kinh kỳ là một làng ven đô mà nét cổ xưa còn lưu lại trên lối mòn gạch nghiêng in dấu chân gái làng xuất giá, trên bia đá chùa xưa và trong cả nét đẹp tảo tần chăm chỉ trong nếp sống từ ngàn xưa truyền lại.
Bất cứ ai từng một lần đi dọc theo các ngõ nhỏ trong làng Đông Ngạc (xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) đều không thể nghĩ rằng, giữa Thủ đô tấp nập lại có một điểm lặng yên bình đến thế!
Giếng nước này cũng là nơi lưu giữ nét cổ xưa của Đông Ngạc
Đình làng, giữa Thủ đô tấp nập lại có một điểm lặng yên bình đến thế!
Tất cả các cổng nhà, cổng làng đều xây dựng hình tháp bút. Điều đó thể hiện rõ tinh thần hiếu học của người dân Đông Ngạc từ xa xưa luôn giữ gìn gia phong của dòng tộc, căn dặn con cháu gìn giữ cho đến muôn đời sau, vì vậy làng được suy tôn là một trong hai làng văn hiến xứ Bắc kỳ. Sự ham học của những người con Đông Ngạc đã trở thành giai thoại.
Bước qua cổng làng là một không gian kiến trúc cổ với nhiều công trình kiến trúc đã nhuốm màu thời gian vẫn đang được người dân bảo tồn. Mái đình làng Kẻ Vẽ - công trình có lịch sử hơn nửa thế kỷ vẫn luôn là một biểu tượng cho sự trường tồn của làng cổ.
Làng Đông Ngạc còn tự hào vì được triều đình xưa ban khen tấn biển ngạch “Mỹ tục khả phong” như một minh chứng cho nền nếp danh hương này.
Hệ thống những ngôi nhà cổ ở Đông Ngạc có sự hòa trộn giữa hai trường phái kiến trúc Đông - Tây. Đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông là những biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp.
Hệ thống những ngôi nhà cổ ở Đông Ngạc có sự hòa trộn
giữa hai trường phái kiến trúc Đông - Tây
Đó là tư gia của những trí thức Tây học hoặc của những thương gia kinh doanh phát đạt. Đây cũng là một trong những nét riêng độc đáo của làng cổ Đông Ngạc.
Hiện trong kho thư tịch cổ còn lưu giữ được một cuốn sách quý là “Đông Ngạc xã chí” ghi chép được nhiều tư liệu liên quan. Lời tựa sách viết rằng: “Làng ta được gọi là làng Đông Ngạc là có nguyên do. Kính nghĩ! Làng ta chiếm một bầu trời, phong khí an bài, nổi tiếng quý địa. Sông dài phía trước, nước chảy xiết ở phía Đông như một con rồng; chữ phẩm phía sau, khí bốc cao ở phía Tây tựa một con hổ. Đất linh thiêng, người kiệt xuất. Cổ đã qua, nay đang tới, một làng tuấn kiệt, thiên hạ biết tên. Bởi vậy người xưa từng dựa vào đó để đặt tên làng, gọi là phường Đông Ngạc...”.
Tất cả các cổng nhà, cổng làng đều xây dựng hình tháp bút, điều đó thể hiện rõ tinh thần hiếu học
của người dân Đông Ngạc từ xa xưa luôn giữ gìn gia phong của dòng tộc
Đến làng cổ Đông Ngạc, bất cứ ai cũng không thể bỏ qua ngôi nhà thờ tổ của họ Đỗ, thờ cụ Đỗ Thế Giai, một võ quan cao cấp thời Lê - Trịnh. Người được phong Vương (Đỗ Đại Vương) từ khi còn sống và tôn làm Thần (Thượng đẳng phúc thần) khi qua đời. Ngôi nhà ấy nay đã có niên đại trên 300 năm. Cánh cổng gỗ im lìm đã in hằn dấu vết thời gian, một vườn cây trước nhà, ngôi nhà cổ gần như còn giữ nguyên vẹn từ kiến trúc và các đồ vật dụng trong nhà. Ngôi nhà được coi là ngôi đình thứ hai của làng Vẽ. Đây là một trong ít các ngôi nhà trong làng còn có nhiều đồ đạc và những vật phẩm liên quan đến công đức to lớn của vị danh nhân này.
Không chỉ nổi danh là làng khoa bảng, làng Kẻ Vẽ còn được biết đến với nhiều món ăn nơi đây như giò, nem… Mỗi món ăn mang một hương vị riêng tạo nên nét ẩm thực của riêng làng.
Nếu có một lần đến thăm làng cổ Đông Ngạc, bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn do chính người dân trong làng làm ra. Thưởng thức món ăn và cảm nhận không khí làng cổ để hiểu hơn về giá trị truyền thống dân tộc.
Làng cổ Đông Ngạc nay đã trở thành điểm đến. Hiện, làng cổ này có thể kết nối với các di tích lớn dọc theo đê sông Hồng như: đình Chèm, đình Nhật Tân, phủ Tây Hồ cùng các làng Nhật Tảo, Liên Ngạc lân cận.
Theo dantri.com.vn