31/10/2018
Ngày 26/10/2018, Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã ra mắt dự án “Xanh hoá ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”, nhằm chuyển đổi ngành dệt may trở thành ngành sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Dự án này là một phần của dự án “Thúc đẩy giảm thiểu tác động thông qua chuỗi cung ứng dệt may”, được tài trợ bởi HSBC, nhằm xanh hoá ngành dệt may tại Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.
Dự án được triển khai từ năm 2018 – 2020, với mục tiêu là chuyển đổi ngành dệt may tại Việt Nam thông qua việc tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam và toàn bộ khu vực sông Mekong, nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc của cả nước.
Trọng tâm chính của dự án là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của ngành lên tới môi trường. Dự án sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để khuyến khích họ chủ động tham gia hơn vào công tác quản lý sông Mekong, quy hoạch năng lượng bền vững và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này thảo luận về kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững. Một mục tiêu quan trọng nữa của dự án đó là tác động tới các nhà đầu tư của ngành dệt may Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững. Các nhà đầu tư dệt may của Trung Quốc sẽ là một trong những đối tác dự án làm việc cùng. Quốc gia này trong những năm gần đây đã gia tăng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam và có nhiều bài học kinh nghiệm để chia sẻ.
Dệt may là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình đạt trên 12% từ năm 2010 tới 2017. Với hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước, ngành không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế mà còn với xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, ngành cũng gây ra nhiều tác động lên tới môi trường. Quá trình sản xuất của ngành sẽ phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng và tạo ra hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.
Hồng Cẩm