07/01/2015
Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới từ năm 1986, trải qua hơn 25 năm, với nhiều nỗ lực của Chính phủ và người dân, đất nước đã đạt tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế, mức tăng bình quân đạt khá cao, khoảng trên 7% năm, năm 2010 Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện tại, cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức như BĐKH, nước biển dâng, an ninh lương thực, tài nguyên nước và năng lượng.
Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (SEDS) năm 2011-2020 đã xác định, Việt Nam phải giải quyết được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với tiến bộ xã hội và BVMT. Để vượt qua những thách thức này, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như: Chiến lược quốc gia về BĐKH (tháng 12/2011), Chiến lược quốc gia về TTX (tháng 9/2012).
Hai Chiến lược này và Kế hoạch hành động xác định cần có tiếp cận tổng thể để huy động nguồn lực đa dạng qua sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước, thông qua các công cụ kinh tế thị trường. Việc đa dạng hóa các công cụ thị trường sẽ hấp dẫn nhiều nguồn kinh phí linh hoạt hỗ trợ TTX và ứng phó với BĐKH.
Cùng với việc thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM), tháng 11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1775/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon ra thị trường thế giới.
Những nỗ lực của Việt Nam nhận được sự quan tâm của các đối tác phát triển, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của 2 nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ đầu năm 2011 khi cơ quan của Chính phủ Việt Nam được mời tham gia và sau đó trình bày bản quan tâm tham gia thị trường các bon (PMR) vào tháng 10/2011 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục tiêu chung của hỗ trợ kỹ thuật PMR là nâng cao mức độ sẵn sàng của thị trường giao dịch mỗi quốc gia thành viên, sau đó triển khai các hành động, chính sách, cơ chế liên quan để đạt mục tiêu giao dịch, cắt giảm phát thải thông qua giới thiệu, nhân rộng các công cụ dựa vào thị trường.
Tiếp đó, WB và ADB đã hỗ trợ để hai cơ quan Chính phủ (Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT) chuẩn bị đề xuất tham gia nhóm đối tác tăng cường mức sẵn sàng tham gia PMR do Ban Thư ký PMR điều phối.
Việt Nam thí điểm xây dựng thiết kế tạo tín chỉ các bon trong lĩnh vực sản xuất thép
Theo kế hoạch của PMR, sẽ có 2 bước: Thứ nhất, từ 2012 đến cuối năm 2013, Việt Nam và các quốc gia khác sẽ chuẩn bị Đề xuất tham gia PMR, sau khi được thông qua, đề xuất sẽ được tài trợ để chuẩn bị các nội dung cho giai đoạn thực hiện. Sau đó, mỗi quốc gia sẽ đề xuất chi tiết tại phiên họp toàn thể vào cuối năm 2014. Thứ hai, sau khi dự án được thông qua, mỗi quốc gia sẽ được cấp khoảng 3 triệu đô la Mỹ để thực hiện các hành động chính sách, thử nghiệm và thể chế hóa. Theo phân công, bước 1 do Bộ KH&ĐT chủ trì, bước 2 là Bộ TN&MT đảm nhận, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
Về phía nhà tài trợ, trong giai đoạn 1, ADB sẽ đại diện nhà tài trợ đứng ra đàm phán, ký kết dự án hỗ trợ kỹ thuật, giai đoạn sau WB sẽ đảm nhận nhiệm vụ này.
Bản dự thảo Khung tổ chức chuẩn bị Đề xuất tham gia PMR và Bản đề xuất dự án "Sẵn sàng tham gia thị trường các bon"đã được tham vấn các bên liên quan tại nhiều Hội thảo kỹ thuật từ tháng 4/2012 đến tháng 4/2014 tại Hà Nội; Đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 9 của Hội đồng PMR, tổ chức tại TP. Cologne, Cộng hòa Liên bang Đức vào tháng 5/2014.
Dự án "Sẵn sàng tham gia thị trường các bon" của Việt Nam có mục tiêu hỗ trợ trực tiếp việc phát triển, thiết kế và thực hiện những hoạt động khi tham gia thị trường gắn với các mục tiêu về ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế. Dự án bao gồm 3 hợp phần: Xây dựng chính sách cho việc xây dựng thị trường các bon trong nước và tham gia thị trường các bon quốc tế; Thí điểm xây dựng thiết kế tạo tín chỉ các bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn; Nghiên cứu và tăng cường năng lực. Dự án do Bộ TN&MT chủ trì với sự tham gia của các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Xây dựng và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn.
Trong các ngày 3 - 4/11/2014, tại TP. Santiago - Chi Lê, Đại hội đồng Chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các bon” do Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10 với sự tham dự của trên 100 đại biểu đến từ 31 quốc gia. Đoàn công tác kỹ thuật của Việt Nam do Bộ TN&MT làm Trưởng đoàn trình bày đề xuất dự án này tại Hội nghị và nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế tài trợ cho Chương trình "Sẵn sàng tham gia thị trường các bon". Tại Hội nghị, ông James Close, Trưởng ban BĐKH thuộc WB chúc mừng Đoàn Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đề xuất dự án chất lượng và đáp ứng tiến độ. Ông hy vọng, dự án của Việt Nam sẽ trở thành một dự án mẫu trong khu vực châu Á. Như vậy, dự án được thông qua và sẽ chính thức được triển khai từ năm 2015 - 2018.
Nguyễn Tuấn Anh
Phó Vụ trưởng Vụ KHGDTN&MT
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014