21/11/2016
Ngày 18/11/2016, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp xã giao Cao ủy về môi trường của Liên minh châu Âu (EU) Karmenu Vella. Cùng tham dự có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (BĐKH), Cục Quản lý Tài nguyên nước, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT, Văn phòng Bộ TN&MT; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet; Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Môi trường, các chuyên gia về môi trường của EU tại Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Karmenu Vella, Cao ủy về môi trường của Liên minh Châu Âu tại buổi tiếp
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với EU, coi EU là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn. Đặc biệt, Bộ TN&MT luôn đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia thành viên EU trong lĩnh vực TN&MT. Đồng thời hy vọng, chuyến thăm lần này của Cao ủy về môi trường của Liên minh châu Âu Karmenu Vella sẽ định hướng, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới.
Cao ủy về môi trường của EU Karmenu Vella đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Bộ TN&MT với các nước EU trong vấn đề sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và BVMT nhằm phát triển kinh tế bền vững và hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng bền chặt, đạt được những bước phát triển mới và những thành tựu quan trọng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và Cao ủy đã trao đổi về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và EU về công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), Kế hoạch hành động của EU cho nền kinh tế quay vòng và Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX) của EU nhằm phát triển lĩnh vực biển và hàng hải
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam hiện rất quan tâm về vấn đề bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tài nguyên ĐDSH của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp, cùng với các chính sách kèm theo, nhưng để bảo tồn ĐDSH hiệu quả, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển bền vững, cũng như tác động của BĐKH đối với bảo tồn ĐDSH.
Đánh giá cao những nỗ lực của EU trong công tác bảo tồn ĐDSH, Bộ trưởng mong rằng EU sẽ tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Xây dựng chính sách pháp luật; Nghiên cứu khoa học công nghệ; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH…
Toàn cảnh buổi tiếp
Đề cập tới mục tiêu phát triển TTX tại Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam đang có những bước đi cần thiết trong lộ trình giảm dần sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất điện năng, tiến tới sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như năng lượng gió, hạt nhân, mặt trời… Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng này, nhưng cần phải có nguồn tài chính lớn và Việt Nam đang nghiên cứu khuôn khổ pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đẩy mạnh hợp tác đôi bên cùng có lợi trong chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường để Việt Nam dần dần đạt được mặt bằng kinh tế phát triển và đi theo hướng bền vững như ở các nước EU.
Cao ủy về môi trường của EU Karmenu Vella khẳng định, EU sẽ tiếp tục là đối tác thân thiết, hỗ trợ, sát cánh cùng Bộ TN&MT trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH; Thúc đẩy TTX, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Kết thúc buổi tiếp, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực TN&MT, góp phần phát triển bền vững và thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.
Lê Chính (Theo Monre)