02/04/2016
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước những thách thức về BVMT và phát triển bền vững trước sự gia tăng dân số, kéo theo đó là nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh, mua sắm xanh ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhu cầu bức thiết hiện nay.
Kết quả khảo sát của Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có 74,3% người tiêu dùng tiết kiệm nước; 83,1% người tiêu dùng tiết kiệm điện. Nguyên nhân thúc đẩy họ thực hành tiết kiệm tài nguyên nước và điện có liên quan đến tài chính gia đình. 82,3% người có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh và 88% người được phỏng vấn dự báo xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy vậy, đa số người tiêu dùng không biết sản phẩm xanh là gì và sản phẩm này được bán ở đâu?Bên cạnh đó, giá thành cao là yếu tố cản trở người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm xanh.
Theo Thạc Sỹ Châu Thị Thu Thủy, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng bền vững trong cộng đồng như văn hóa, trình độ học vấn, tình trạng cư trú, mức thu nhập, kiến thức… Người có trình độ cao, người trẻ, người có mức thu nhập cao, người có mối quan tâm về môi trường thì có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh nhiều hơn so với thành phần còn lại. Giá cả vẫn là yếu tố ưu tiên đầu tiên so với nhận thức về BVMT, có ảnh hưởng quan trọng đến hành vi tiêu dùng bền vững.
Sử dụng túi ni lông sẽ thải ra một lượng lớn chất thải khó phân hủy gây tác hại khôn lường
TS. Phạm Gia Trân, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết,thực tế nước ta hiện nay, tiêu dùng bền vững vẫn chưa thực sự được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế, trong khi thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với đà phát triển kinh tế trong hơn 10 năm qua, thói quen tiêu dùng đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái và là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững.
Thực tế cho thấy, những cải tiến công nghệ khiến cuộc sống của con người tiện lợi và gọn nhẹ bao nhiêu thì thiên nhiên lại bị tàn phá và ô nhiễm bấy nhiêu. Với những nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, một lượng lớn túi ni lông, đồ tiêu dùng bằng nhựa khó tiêu hủy được xả thải ra môi trường… Song, những việc làm tưởng chừng như bình thường này của mọi người đang dẫn đến những hậu quả khôn lường về việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tình trạng xâm nhập mặt do nước biển dâng, các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt do khai thác không khoa học, hợp lý...
Nhằm hạn chế tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là con người phải thay đổi được hành vi mua sắm và tiêu thụ của mình. Bởi vì, tiêu dùng - sức mua là bản chất, cội rễ của sự phát triển. Phải có cầu mới có cung và phát triển nguồn cung, đây chính là gốc rễ cho sự phát triển bền vững của một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu hóa. Nếu một người tiêu dùng thay đổi các thói quen tiêu dùng của mình thì các nhà sản xuất cũng thay đổi, xã hội từ đó cũng thay đổi theo.
PGS.TS Lê Văn Khoa, Bộ môn quản lý Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết, mua sắm xanh, tiêu dùng xanh có những lợi ích như nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; Phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn. Mua sắm xanh thúc đẩy quá trình tái chế các chất thải, từ việc thu gom, phân loại cho tới sản xuất và phát triển thị trường sử dụng các sản phẩm tái chế, vì thế không chỉ làm người tiêu dùng tiết kiệm được kinh phí mà còn góp phần BVMT. Đồng thời, phát triển mua sắm xanh sẽ kích thích tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, chúng ta phải dung hòa được các giải pháp như nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, đặc biệt chú ý đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp cam kết thực hiện BVMT và cho ra thị trường những sản phẩm xanh, sạch an toàn, chất lượng, PGS. TS nhấn mạnh.
Trần Tân