02/10/2018
Đông Hà là TP tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và thương mại của tỉnh Quảng Trị. Với tổng diện tích tự nhiên 73,09 km2, dân số 91.396 người (năm 2016), TP là nơi giao thương của hai miền Bắc - Nam, có tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ven đô, du lịch văn hóa tâm linh. Do đó, trong lộ trình hướng tới đô thị loại II vào năm 2020, cùng với các nhiệm vụ trọng tâm khác, TP. Đông Hà đang tập trung triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng TP Xanh - Sạch - Đẹp, hướng đến mô hình đô thị xanh bền vững.
Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đô thị Xanh - Sạch - Đẹp”, trong thời gian qua, TP Đông Hà đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các phường tổ chức phát động phong trào và tuyên truyền rộng rãi việc xây dựng đô thị Xanh - Sạch - Đẹp, tuyến phố văn minh. Trong đó, quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt được chính quyền, các ban ngành liên quan và toàn thể nhân dân TP tích cực hưởng ứng, thực hiện. Theo đó, UBND TP. Đông Hà đã ban hành Quyết định số 3580/QĐ-UBND về việc xây dựng và ban hành quy trình thu gom CTR thông thường trên địa bàn TP, phổ biến rộng rãi cho các đơn vị liên quan, UBND các phường tổ chức thực hiện.
Hiện nay, CTR trên địa bàn TP chủ yếu được phát sinh từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh, du lịch, y tế… do hoạt động của con người thải ra. Năm 2017, tổng khối lượng CTR sinh hoạt thu gom, vận chuyển xử lý là 21.300 tấn, trung bình là 53 - 60 tấn/ngày đêm. Tỷ lệ thu gom rác thải hộ gia đình đạt 94,4%, tuy nhiên số lượng CTR phát sinh trên đường còn nhiều, trên 1.300 tấn, trong đó chủ yếu phát sinh từ các hoạt động xây dựng. Để làm sạch đường phố, ngõ hẻm, không để rác thải xuất hiện ở các nơi công cộng, TP tăng cường đầu tư nguồn lực và phương tiện nhằm quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. TP đã huy động 6 xe ép rác 4,5 tấn, 2 xe ép rác 3,5 tấn, 2 xe ben 4,5 tấn, 140 thùng rác được đặt nơi công cộng, 320 xe lôi đẩy tay, 135 lao động có nhiệm vụ thu gom rác. Hiện TP có 1 bãi tập kết rác với diện tích 16 ha, công trình xử lý nước rỉ rác và công trình phụ trợ khác chiếm khoảng 3 ha. Thời gian hoạt động chôn lấp của bãi rác này dự kiến đến năm 2026.
TP. Đông Hà, Quảng Trị
Xác định việc xây dựng đô thị Xanh - Sạch - Đẹp cần có sự chung tay của toàn xã hội, TP đã chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức chính trị, UBND các phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động toàn dân tích cực vệ sinh môi trường và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý CTR thông qua báo, đài, các buổi sinh hoạt chung của tổ chức, khu phố, lắp đặt hàng trăm bảng, biển, pa nô tuyên truyền; lắp đặt 10 điểm quảng cáo, rao vặt miễn phí trên các tuyến phố... Đồng thời, vận động hiệu quả công tác nộp phí thu gom rác thải sinh hoạt theo từng hộ trên địa bàn và phát động phong trào “Xây dựng tuyến đường Xanh - Sạch - Đẹp, tuyến phố văn minh” để các tổ chức đoàn thể, các đơn vị liên quan và nhân dân có trách nhiệm tham gia thực hiện. TP cũng vận động hơn 20 doanh nghiệp tham gia xây dựng vỉa hè, cây xanh; trang trí đèn, bảng hiệu điện tử ở trụ sở của đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra trật tự xây dựng đô thị và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm quy hoạch, lấn chiếm đất công, vỉa hè, lòng đường các tuyến đường chính của TP; Tổ chức hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia tháo gỡ, quét sơn và tẩy xóa các biển quảng cáo, rao vặt trái phép trên các trụ điện, bờ tường, gốc cây dọc vỉa hè các tuyến phố. Đặc biệt, những năm gần đây, TP. Đông Hà đã đưa vào vận hành 2 tuyến xe buýt đầu tiên của TP, giúp hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do các phương tiện ô tô, xe máy cá nhân gây ra và đang triển khai thực hiện các dịch vụ đi xe chung. Hiện TP đang hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp xây dựng, thông qua việc áp dụng các quy định thúc đẩy vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường - những nỗ lực này ước tính có thể đóng góp giảm phát thải 15% các bon vào năm 2030.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng TP Xanh - Sạch - Đẹp, trong thời gian tới, TP. Đông Hà cần tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT; triển khai quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp đổ CTR, rác thải xây dựng không đúng nơi quy định; xây dựng lộ trình, đầu tư bố trí các thùng rác, lắp đặt nhà vệ sinh nơi công cộng; thực hiện đề án xã hội hóa xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng khu dân cư và trồng cây xanh đường phố. Đồng thời, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, ứng dụng khoa học công nghệ cao, giảm dần các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, CTR khu công nghiệp; Di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có trong nội thành, gần khu dân cư vào cụm công nghiệp như Khu công nghiệp Quán Ngang, Cụm công nghiệp Cam Thành… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dành quỹ đất phát triển đô thị.
Nhằm tạo mảng xanh đạt hiệu quả và đồng đều ở đô thị, cần quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông của TP bền vững về môi trường; Phát triển hệ thống giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ, tạo lập môi trường giao thông thân thiện với môi trường; Đưa các tiêu chí đô thị sinh thái vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: Cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng; Tiếp cận, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển công trình kiến trúc sinh thái; Khai thác tối đa các nguồn năng lượng mặt trời, gió và nước mưa để cung cấp năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt, cần huy động các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí cho hoạt động BVMT…
Bùi Thị Duyên
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)