02/08/2018
Theo dự báo, tổng mức phát thải khí nhà kính (KNK) của Thanh Hóa (phương án cơ sở) đến năm 2020 ước đạt 22.353,2 nghìn tấn CO2-eq và đến năm 2030, ước đạt 30.364,4 nghìn tấn CO2-eq. Nhằm giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng lối sống xanh và đẩy mạnh sản xuất sạch hơn, ngày 28/1/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Kế hoạch hành động số 359/QĐ-UBND về thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh (TTX) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 2 năm triển khai, tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, trở thành tấm gương cho nhiều tỉnh, thành khác học tập.
Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược TTX, Thanh Hóa chủ trương phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, giảm phát thải phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, giảm lượng phát thải KNK so với phương án phát triển bình thường là 14%; (mức giảm địa phương tự nguyện là 7,5%; 6,5% còn lại là mức giảm khi có hỗ trợ từ quốc gia và quốc tế). Đến năm 2030, giảm lượng phát thải KNK so với phương án phát triển bình thường là 23%; (mức giảm địa phương tự nguyện là 13%; 10% còn lại là mức giảm khi có hỗ trợ từ quốc gia và quốc tế). Về xanh hóa sản xuất, lối sống, Thanh Hóa xác định, đến năm 2020, giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh chiếm trên 30% GDP, tăng lên khoảng 45% vào năm 2025 và đạt trên 60% vào năm 2030; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,5% năm 2020, khoảng hơn 60% diện tích toàn tỉnh được che phủ bởi rừng và cây xanh tập trung vào năm 2025; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tại đô thị đạt 91%, 85% chất thải rắn thông thường và 80% chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, 50% đô thị loại IV trở lên đạt tiêu chí đô thị xanh…
Năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược TTX
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, trong thời gian qua, Thanh Hóa tập trung mọi nguồn lực: Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực bằng việc xây dựng cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích phát triển vùng trồng thâm canh; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình trồng lúa sử dụng phân bón từ vô cơ sang hữu cơ; phát triển vùng luồng thâm canh, rừng gỗ lớn, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản và tạo bể hấp thụ khí CO2; sử dụng các thiết bị điện, phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng; thu hút các dự án cải tạo, nâng cấp đê, hồ chứa nước ngọt khu vực ven biển. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, chuyên viên các cơ quan dưới sự hướng dẫn của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Phát triển nông nghiệp quốc tế (WinRock)…
Với nỗ lực đó, Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53/03%, vượt mục tiêu đề ra (năm 2020 đạt 52,5%); 73% chất thải nguy hại, 82,5% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn (năm 2020 đạt 80%, 85% và 91%); tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch đạt 89% (năm 2020 đạt 95%). Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đến nay, đã chuyển đổi được 12.927 ha đất lúa, 4.624,5 ha mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn như ngô, ớt, cây ăn quả…
Về thu hút dự án đầu tư, hiện tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án Nhà máy ép tre công nghiệp Tam Thanh (công suất 100.000 m3 sản phẩm/năm), dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam (diện tích 160 ha) do Công ty CP Mía đường Lam Sơn thực hiện, dự án Nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa I tại Khu kinh tế Nghi Sơn (công suất 160 MW), cùng một số dự án chế biến gỗ công nghiệp. Cùng với đó, các nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát, lập dự án đối với Nhà máy Điện mặt trời khu vực Lam Sơn - Sao Vàng.
Nhờ xác định đúng thực trạng của tỉnh về TTX, nhất là mức phát thải KNK, trên cơ sở khai thác được tiềm năng, lợi thế, Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề vững chắc trong việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động về TTX, tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nước, lao động để tăng quy mô sản xuất, việc phát triển theo chiều sâu, dựa vào công nghệ hiện đại còn hạn chế; biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, suy giảm chất lượng hệ sinh thái, tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nhân dân…
Thời gian tới, Thanh Hóa rất cần được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương pháp để xây dựng, thu thập số liệu đầu vào đối với các chỉ tiêu về TTX như: tỷ lệ đạt quy chuẩn môi trường của chất lượng không khí; thực hiện nông nghiệp xanh; giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung pháp lý về lồng ghép các tiêu chí TTX vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Nguyễn Thị Hồng Ngọc
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)