21/03/2016
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/3 cho biết, sự tăng trưởng của kinh tế thế giới đã không làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ ngành năng lượng trong năm 2014 và 2015, một dấu hiệu khá rõ cho thấy tăng trưởng GDP không còn song hành với mức độ gây ô nhiễm cao nữa.
Trong suốt 40 năm qua, sự phát triển kinh tế thế giới luôn tỷ lệ thuận với lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường. Trước đây, việc giảm lượng CO2 luôn đồng nghĩa với sự suy thoái kinh tế. Bởi lẽ, sự tăng trưởng kinh tế có quan hệ mật thiết với nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao và từ đó dẫn tới lượng khí thải cũng tăng theo. Nhưng theo IEA, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều công ty năng lượng trên thế giới trong phong trào chống lại tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải gây ra, cuối cùng, hai phạm trù kinh tế và khí thải cũng đã “thoát ly” nhau.
Năm 2015, lượng khí thải CO2 trên thế giới “đứng yên” trong năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng 3,1%, sau khi tăng 3,4% năm 2014. Sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo lý giải cho kết quả tích cực kể trên, với năng lượng sạch chiếm tới 90% sản lượng điện tăng thêm của thế giới trong năm 2015. Trong đó, điện gió chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện sạch.
Hai quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận lượng khí CO2 thải ra giảm năm ngoái. Tuy vậy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước đang phát triển khác ở châu Á, Trung Đông gia tăng, trong khi lượng khí thải ở châu Âu cũng tăng nhưng ở mức thấp hơn.
Chuyển biến trên được coi là một sự khích lệ đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới chỉ một vài tháng sau thỏa thuận lịch sử đạt được tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 của Liên hợp quốc (COP21) ở Paris (Pháp).
An Vi