14/03/2019
Ngày 11/3/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam”.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trưởng Nhóm nghiên cứu cho biết, chính sách thuế được coi là một công cụ kinh tế, tác động tới chi phí và lợi ích của các thể nhân và pháp nhân nhằm điều chỉnh hành vi, hoạt động qua đó thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Do vậy, chính sách thuế, phí là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ có thể được sử dụng nhằm tác động tới hành vi sản xuất, tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, đồng thời đánh thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường.
Toàn cảnh Hội thảo
Trên thế giới đã có một số nước sử dụng công cụ chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đều hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với BĐKH, phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, nhiên liệu hoá thạch, áp dụng các công cụ kinh tế nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí BVMT vào giá thành sản phẩm, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư BVMT.
Tại Việt Nam, nhiều chính sách thuế đã được thiết kế hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa lĩnh vực môi trường, ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng xanh…, nhưng nhìn chung chưa đủ mạnh. Trong khi đó, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn. Số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra…
Từ thực tiễn này, Nhóm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cả về mức ưu đãi và thời gian ưu đãi nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch; khuyến khích phát triển vận tải công cộng. Ví dụ, cần quy định mức thuế suất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng, nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể về giá bán giữa xăng sinh học và xăng khoáng. Tiếp tục duy trì và tăng mức thu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng hàng hóa này. Đối với thuế giá trị gia tăng, cần sửa đổi chính sách theo hướng quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện. Ngoài ra, cũng cần tăng mức thu và mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm đối với các sản phẩm hoặc chất gây tổn hại đến môi trường như phân bón hóa học; khí thải…, đồng thời mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT.
Trần Hương