21/03/2016
Ngày 18/3, tại tỉnh Thái Bình, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban quản lý dự án TW phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ở tỉnh Thái Bình”.
Thái Bình là tỉnh ven biển, có 54 km đê biển, có 5 cửa sông đổ ra biển tạo thành vùng bãi triều rộng hơn 25 nghìn héc ta. Trong năm 2015, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành công tác kiểm kê rừng, theo đó đã xác định diện tích đất lâm nghiệp là hơn 9.600 héc ta; trong đó có hơn 3.700 héc ta rừng. Diện tích rừng trồng ở Thái Bình chủ yếu là cấp tuổi 3 có gần 970 héc ta, cấp tuổi 5 có gần 860 héc ta; cấp tuổi 4 có hơn 790 héc ta; cấp tuổi 2 có gần 650 héc ta, còn lại cấp tuổi 1 là các diện tích rừng mới trồng được ba đến bốn năm gần đây.
Dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai tại 4 xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải với mục tiêu dài hạn là phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ bờ biển và nâng cao kiến thức, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư địa phương.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 2 triệu USD; trong đó vốn tài trợ của chính phủ Hàn Quốc là 1,9 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 150.000 USD. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2024 với việc trồng mới, trồng bổ sung và bảo vệ rừng ngập mặn với tổng diện tích 960 héc ta; trong đó trồng mới 80 héc ta; đồng thời trồng bổ sung 80 héc ta, bảo vệ 800 héc ta rừng ngập mặn hiện có. Dự án cũng sẽ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ và nhận thức cho người dân; tổ chức các chuyến tham quan nước ngoài, hội thảo trong nước và đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ Dự án như ô tô, xuồng máy, GPS, ống nhòm…
Nam Hưng