Banner trang chủ

Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

05/04/2016

     Tăng trưởng xanh không chỉ là sự phục hồi lại những tác động bất lợi đối với môi trường, mà hơn thế, là đổi mới, áp dụng tư duy hệ thống trong phát triển và tăng trưởng. Mục tiêu đặt ra khi thực hiện tăng trưởng xanh là phải cân bằng cả hai yếu tố kinh tế và môi trường - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định trong cuộc trao đổi về vấn đề này.

 

 

     Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 -2020 đã xác định các hành động khu vực đô thị thuộc nhóm hành động ưu tiên cao. Vậy, Việt Nam sẽ tập trung vào những nội dung nào thưa Thứ trưởng?

     Đầu quý IV, tại Diễn đàn đô thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo đô thị 2015; trong đó tiếp tục kêu gọi các quốc gia cần hết sức chú trọng vai trò của các đô thị, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á với 17 siêu đô thị trên 10 triệu dân. Hơn bao giờ hết, những hoạt động diễn ra ở các đô thị đang định hình thế giới của chúng ta.

     Từ những thập niên 90 của thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia châu Á năng động; trong đó hệ thống đô thị nổi bật với vai trò là các đầu tầu kinh tế của vùng và mỗi quốc gia. Tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ mật thiết với tỷ lệ đô thị hóa.

     Tại Việt Nam, phát triển đô thị luôn luôn là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia cũng như tại mỗi địa phương. Để định hướng sự phát triển của hệ thống đô thị phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia. Mặt khác, chủ trương phát triển bền vững đất nước được cụ thể hóa tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 -2020 cũng đã xác định các hành động khu vực đô thị thuộc nhóm hành động ưu tiên cao.

    Theo định hướng đó, thời điểm này Việt Nam đã có 788 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,2%, mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị từ 10 - 15% (cao gấp gần 2 lần so cả nước). Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của đô thị ước đạt 70 - 75% trong cơ cấu GDP cả nước; trong đó, tỷ trọng đóng góp của 5 đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương chiếm trên 50% tổng GDP cả nước.

     Cùng với việc phát triển mở rộng hệ thống đô thị, việc quản lý và nâng cao chất lượng đô thị cũng đã được các cấp quản lý quan tâm. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực cũng như năng lực kinh nghiệm quản lý, các đô thị đã từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như tiếp cận giải quyết các thách thức có tính toàn cầu như tình hình biến động kinh tế thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững.

     Các nghiên cứu về tăng trưởng xanh gần đây đều khẳng định khu vực đô thị có vai trò hết sức đặc thù trong việc tạo ra sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường. Theo Thứ trưởng, Việt Nam sẽ hài hòa các mục tiêu này như thế nào?

     Đây là một bài toán khó, cần sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có sự ủng hộ giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp. Sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường cũng chính là nhân tố mấu chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh ở cấp độ quốc gia cũng như trên toàn cầu.

     Thực hiện Tăng trưởng xanh với sự cân bằng hai mục tiêu về kinh tế và môi trường là sự tiệm cận đến phát triển bền vững mà trong đó ba yếu tố: kinh tế - môi trường - xã hội cần có sự hài hòa. Cần thống nhất quan điểm rằng, tăng trưởng xanh không chỉ là một sự phục hồi lại những tác động bất lợi đối với môi trường, mà hơn thế nữa, đó là một sự đổi mới, áp dụng tư duy hệ thống trong phát triển và tăng trưởng.

     Do đó, cần có sự điều chỉnh trong mô hình tăng trưởng của đô thị cũng như xây dựng các định hướng chiến lược, lộ trình thực hiện và giải pháp cụ thể, phù hợp với vai trò vị trí và đặc điểm đặc thù của mỗi đô thị. Các địa phương cần nghiêm túc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, đô thị, hoàn thiện và ban hành các chương trình phát triển đô thị, xác định các khu vực phát triển kèm theo kế hoạch thực hiện để tập trung đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, lồng ghép các mục tiêu, chỉ số về tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu trong các giải pháp quy hoạch, quản trị và đầu tư phát triển đô thị.

     Hướng tới mục tiêu này, ngành xây dựng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên nhiều lĩnh vực. Chủ đề “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh” được triển khai trên cả nước trong năm 2014 và 2015. Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản,... cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình, phân loại đô thị, lồng ghép các yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam.

     Xin Thứ trưởng cho biết những khó khăn trong thực hiện phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam?

     Vấn đề này đang bị cộng đồng hiểu một cách phiến diện, chỉ là một vấn đề liên quan đến quy hoạch. Nhưng thực tế, tăng trưởng xanh không chỉ liên quan đến quy hoạch mà còn đề cập tới phát triển bền vững về kinh tế cũng như môi trường. Chiến lược Tăng trưởng xanh nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sống thân thiện với con người.

     Thêm một khó khăn cần giải quyết, là vai trò và nhận thức của cộng đồng. Mọi người cần hiểu rõ vấn đề cần sự chung tay của tất cả mọi cấp mọi ngành và mỗi người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược dài hơi cho chương trình tăng trưởng xanh liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, vấn đề đảm bảo môi trường.

     Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó chú trọng khẩn trương hoàn thiện và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng chiến lược phát triển đô thị tăng trưởng xanh, hướng dẫn các chỉ số đô thị tăng trưởng xanh và các chỉ tiêu quản lý và thực hiện. Cùng với việc vận động xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng dụng các giải pháp quy hoạch và thiết kế đô thị, công nghệ và vật liệu tăng trưởng xanh, các chương trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng sẽ được đẩy mạnh.

     Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Châu Long (Theo Tin tức)

Ý kiến của bạn