13/02/2019
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), mức tiêu thụ năng lượng tại Trung Ðông, châu Phi và châu Á tăng mạnh trong những năm qua. Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, nhiều nước đang phát triển nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cũng như tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.
Cụ thể, ba khu vực Trung Ðông, châu Phi và châu Á dẫn đầu tăng trưởng năng lượng tiêu thụ toàn cầu, với mức tăng ở từng khu vực là khoảng 20% trong giai đoạn 2010 - 2016. Mức tiêu thụ năng lượng tại Trung Ðông và châu Phi tăng chủ yếu do các yếu tố bao gồm tăng trưởng kinh tế, tăng cường tiếp cận các thị trường năng lượng và dân số gia tăng nhanh chóng. Tiêu thụ năng lượng tại khu vực châu Á tăng đều do chỉ số tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc giảm trong giai đoạn 2015 - 2016. Ở Bắc Mỹ, nơi có nhiều nền kinh tế phát triển, mức tiêu thụ năng lượng tăng 1% trong giai đoạn 2010 - 2016. Trong cùng giai đoạn đó, ở châu Âu, chỉ số này giảm 4%. Dầu mỏ và các nhiên liệu hóa lỏng khác, bao gồm ê tha nôn và xăng sinh học, là dạng năng lượng phổ biến nhất.
Trong bức tranh toàn cảnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường, Trung Ðông và châu Phi đã có nhiều bước tiến trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Ai Cập, Tunisia và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) nằm trong số những quốc gia A-rập phát triển năng lượng tái tạo nhất thế giới năm 2018. Các nước A-rập đã đạt những tiến bộ đáng kể về phát triển năng lượng tái sinh trong bảy năm qua.
Những sáng kiến về phát triển khuôn khổ pháp lý đã được đưa ra, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư mạnh hơn vào năng lượng tái tạo. UAE trở thành một trong những quốc gia phát triển năng lượng hiệu quả nhất thế giới. Ai Cập đã tăng từ 10 điểm lên 68 điểm trong thước đo Các chỉ số quản lý năng lượng bền vững (RISE) của WB. Quốc gia Bắc Phi này đã đưa vào hoạt động một trong những nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Uớc tính, Ai Cập có thể tạo ra 53% tổng nguồn điện năng trong nước từ các nguồn năng lượng tái sinh vào năm 2035, có thể tiết kiệm khoảng 900 triệu USD từ chi phí sản xuất điện hằng năm.
Tại Tây Phi, Côte d’Ivoire được xem là quốc gia dẫn đầu trong ngành điện lực ở khu vực. Nước này sản xuất khoảng 2.000 MW điện mỗi năm, trong đó nhiệt điện chiếm 75%, phần còn lại là thủy điện. Cốt Ði-voa đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 11% trên tổng lượng điện vào năm 2020 và lên 16% vào năm 2030. Một “Trung tâm năng lượng mặt trời nổi” đầu tiên ở châu Phi sẽ được xây dựng ở Côte d’Ivoire nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn cung năng lượng của quốc gia này. Trung tâm năng lượng này sẽ được xây dựng trên mặt nước ở các đầm phá hoặc ngoài biển, với khoản vay 80 triệu euro của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Trong khi đó, Chính phủ Israel sẽ hỗ trợ Angola đa dạng hóa nguồn cung năng lượng thông qua kế hoạch đầu tư 60 triệu USD xây dựng các nhà máy điện mặt trời và các năng lượng tái tạo khác tại quốc gia miền nam châu Phi này.
Công ty năng lượng QWAY của Bỉ trước đó đã công bố các kế hoạch đầu tư, phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo khác tại Angola, với dự kiến sẽ khởi công xây dựng các dự án sản xuất năng lượng tái tạo với công suất từ 250 đến 350 MW tại Angola vào cuối năm 2020.
Còn Chính phủ Anh cho biết, sẽ tiếp tục tài trợ 100 triệu bảng Anh cho các dự án năng lượng tái tạo ở châu Phi. Ðược thành lập năm 2015 với nguồn tài chính ban đầu 48 triệu bảng từ Chính phủ Anh, chương trình này hiện đang hỗ trợ 18 dự án gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, thủy điện và địa nhiệt ở các nước Tanzania, Burundi, Nigeria và Kenya. Các khoản tài trợ của Anh sẽ hỗ trợ 40 chương trình năng lượng tái tạo mới ở khu vực nam Sahara trong 5 năm tới.
Minh Viễn