17/05/2016
Đây là thông tin từ Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam tại Lễ công bố báo cáo kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam và Hội thảo thường niên của tổ chức này.
Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam - Tầm nhìn đến năm 2050” mới công bố ngày 12/5/2016 của WWF và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, đến năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, góp phần giảm đáng kể lượng khí thải các bon độc hại có liên quan đến BĐKH. Báo cáo đã phân tích tổng quát về tình hình của ngành điện trong bối cảnh tổng thể của ngành năng lượng đồng thời đưa ra các kịch bản phát triển mà Việt Nam có thể lựa chọn cho chiến lược phát triển đến năm 2050.
Điện gió là một trong những tiềm năng của Việt Nam
Theo đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) có thể dùng để phát điện như mặt trời, gió, nước, địa nhiệt, sinh khối và đại dương. Tuy nhiên, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, Việt Nam có kế hoạch phát triển điện lực chủ yếu dựa vào các dự án thủy điện thiếu bền vững và các dự án nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng các bon cao, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, thậm chí cả điện hạt nhân có giá thành cao và chứa đựng nhiều rủi ro.Việc tăng khí thải các bon do sử dụng than đốt và các nguyên liệu hoá thạch khác là nguyên nhân hàng đầu gây ra BĐKH. Trong khi đó, năng lượng tái tạo là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam, giúp con người chung sống hài hoà với thiên nhiên.
Trên quan điểm này, bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Năng lượng bền vững của WWF - Việt Nam cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia tiên phong phát triển ngành năng lượng sạch và tái tạo. Năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35% trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050″.
Báo cáo cũng đưa ra 3 đề xuất: Kịch bản phát triển thông thường, kịch bản phát triển năng lượng bền vững và kịch bản phát triển năng lượng bền vững tối ưu. Trong đó, kịch bản phát triển thông thường dựa vào nguyên liệu hoá thạch và các công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, gây ra nhiều khí thải. Hai kịch bản phát triển năng lượng bền vững và phát triển năng lượng bền vững tối ưu đều cho thấy, đến năm 2050, trên phương diện kỹ thuật cũng như kinh tế, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng ít nhất từ 81% - 100% nhu cầu điện quốc gia và giảm tới 80% lượng khí thải các bon.
Long Hoàng