Banner trang chủ

Một số chính sách công nghệ xanh của Hàn Quốc từ năm 2008 đến nay

17/10/2016

   Công nghệ xanh (CNX) nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc từ năm 2008 khi Tổng thống Lee Myung-bak công bố Tầm nhìn quốc gia về Tăng trưởng xanh (TTX), ít các bon.

   Theo Ủy ban TTX của Hàn Quốc, "...TTX sẽ BVMT và tạo nên những ngành công nghiệp mới cũng như những việc làm mới nhờ vào CNX và năng lượng sạch (như năng lượng mặt trời, gió, thủy triều/sóng/đại dương, thủy điện) để thay thế nhiên liệu hóa thạch (như dầu mỏ và than đá)". Trong Luật khung về TTX, ít các bon của Hàn Quốc, TTX được định nghĩa như sau: "TTX là tăng trưởng đạt được sự hài hòa giữa kinh tế và môi trường, bằng việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái môi trường; đồng thời phát triển nghiên cứu năng lượng sạch và CNX để đảm bảo động lực tăng trưởng mới và tạo ra những việc làm mới...". Qua đó, Hàn Quốc đã khẳng định CNX chính là trọng tâm của tầm nhìn quốc gia về TTX và phát triển CNX nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra các động cơ tăng trưởng mới.

Hàn Quốc khẳng định CNX là trọng tâm của Tầm nhìn quốc gia về TTX

   Năm 2009, Hàn Quốc đã thiết lập Chính sách toàn diện phát triển nghiên cứu CNX. Từ đó đến nay, vai trò của CNX trong phát triển kinh tế của Hàn Quốc luôn được đề cao, đồng thời, các chính sách đối với CNX ngày càng trở nên hoàn thiện.

   Theo đó, từ năm 2008 đến nay, các chính sách về CNX có nhiều thay đổi, kế thừa và củng cố, cải thiện những điểm còn thiếu sót của thời kỳ trước. Xét về mô hình tăng trưởng, Hàn Quốc đã chuyển đổi từ mô hình TTX, ít các bon (thời kỳ Tổng thống Lee Myung-bak đứng đầu) sang tầm nhìn “Kỷ nguyên mới của hy vọng và hạnh phúc” với mô hình Nền kinh tế sáng tạo (thời kỳ do Tổng thống Park Geun-hye đứng đầu), tuy nhiên, những giá trị cốt lõi và định hướng phát triển theo một mô hình kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, coi trọng vai trò của CNX, năng lượng sạch và duy trì những mục tiêu giảm phát thải của Chính phủ Hàn Quốc không thay đổi. Một minh chứng gần đây cho thấy, chính quyền của bà Park Geun-hye đã đưa ra tuyên bố Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 là 37% so với kịch bản BaU (tiếp nối mục tiêu giảm 30% vào năm 2020 đã được công bố dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak). Tuyên bố này thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính quyền mới nhằm theo đuổi các mục tiêu xanh mà Hàn Quốc từng công bố với thế giới. Chính vì vậy, Tuyên bố đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và cộng động quốc tế, đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, thời kỳ của bà Park Geun-hye sẽ mở ra một kỷ nguyên mới (Kỷ nguyên TTX 2.0).

   Nền tảng để duy trì những định hướng phát triển này, trong đó có định phướng về CNX, chính là hoạt động của Ủy ban TTX, trước đây trực thuộc Tổng thống, nay trực thuộc Thủ tướng Hàn Quốc. Giáo sư Lee Seung-hoon - Chủ tịch Ủy ban cho biết: Ủy ban sẽ theo đuổi mạnh mẽ Chiến lược TTX của Chính phủ tiền nhiệm; trong đó sẽ tập trung chủ yếu vào việc sáng tạo, thương mại hóa, sản xuất và xuất khẩu các CNX, cũng như các sản phẩm và quy trình liên quan.

   Ngoài ra, có thể nhận thấy các chính sách về CNX ngày càng đi vào chiều sâu và mang tính tập trung hơn. Trong Danh sách 75 ứng cử viên về công nghệ, Hàn Quốc đã lựa chọn 27 CNX tiêu biểu để tập trung phát triển (phân loại theo kỳ hạn và mức độ tập trung). Từ 27 công nghệ này chọn ra 10 CNX và năm 2014, Hàn Quốc tiếp tục lựa chọn 6 CNX hàng đầu để ưu tiên phát triển. Với phương pháp đầu tư tập trung và chuyên sâu này trong tương lai, Hàn Quốc sẽ có nhiều khả năng rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước phát triển.

Những thay đổi về chính sách đối với CNX của Hàn Quốc:

8/2008

Công bố tầm nhìn TTX, ít các bon

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng

Đề xuất tầm nhìn “TTX, ít các bon” là mô hình phát triển quốc gia

1/2009

Thiết lập chính sách toàn diện phát triển nghiên cứu CNX

Ủy ban Khoa học công nghệ quốc gia

Xúc tiến kết hợp CNX, mở rộng nghiên cứu cơ bản, xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có, khai thác động cơ tăng trưởng tương lai, xây dựng cơ sở hạ tầng cho CNX (lựa chọn 27 CNX cốt lõi)

5/2009

Thiết lập chiến lược phát triển & thương mại hóa CNX cốt lõi

Ủy ban TTX

Công nghệ nguồn năng lượng, nâng cao hiệu suất, xanh hóa nền công nghiệp - không gian, BVMT - tuần hoàn tài nguyên (phân loại 27 CNX cốt lõi theo kỳ hạn và độ tập trung)

7/2009

Thiết lập Kế hoạch 5 năm về TTX

 

Ủy ban TTX

Thích ứng với BĐKH, độc lập năng lượng, tạo động cơ tăng trưởng mới, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường hình ảnh quốc gia

2/2010

Lựa chọn 10 CNX cốt lõi

Ủy ban TTX

Pin thứ cấp thế hệ mới, PC xanh, LED, pin mặt trời hiệu quả cao, ô tô xanh, lưới điện thông minh, lò phản ứng nước nhẹ mô hình mới, pin nhiên liệu, thu thập các bon, xử lý nước tiên tiến

8/2011

Kế hoạch cơ bản về Phát triển bền vững lần thứ 2

Hội đồng liên Bộ

Tăng cường tính bền vững của TN&MT, thích ứng và thiết lập hệ thống ứng phó với BĐKH, nâng cao công bằng xã hội và sức khỏe của nhân dân, nâng cao tính bền vững của cấu trúc nền kinh tế và công nghiệp

12/2012

Kế hoạch nuôi dưỡng công nghệ môi trường và công nghiệp môi trường lần thứ 3

Hội đồng thẩm định Khoa học công nghệ quốc gia

Chiến lược phát triển công nghệ môi trường, chiến lược nuôi dưỡng công nghiệp môi trường, chiến lược phát triển liên kết công nghệ và công nghiệp môi trường (5 mục tiêu, 16 công nghệ cốt lõi)

2/2013

Nhiệm vụ quốc gia của Chính phủ

Hội đồng liên Bộ

Đề xuất tầm nhìn “Kỷ nguyên mới của hy vọng và hạnh phúc” là mô hình phát triển quốc gia

6/2013

Kế hoạch thực thi nền kinh tế sáng tạo

Hội đồng liên Bộ

Tăng cường vai trò của nền kinh tế sáng tạo, tạo ra động lực tăng trưởng, khai thác công nghệ mới - thị trường mới, tăng cường năng lực đổi mới công nghệ thông tin và truyền thông…

2/2014

Kế hoạch 3 năm về Cải cách kinh tế

Hội đồng liên Bộ

Nền kinh tế ổn định, năng động; nền kinh tế cân bằng giữa xuất khẩu và nhu cầu trong nước

6/2014

Kế hoạch 5 năm về TTX lần thứ 2

Ủy ban TTX

Cấu trúc kinh tế - xã hội ít các bon, thực hiện nền kinh tế sáng tạo thông qua việc kết hợp CNX với công nghệ truyền thông - thông tin…

7/2014

Chiến lược phát triển công nghệ cốt lõi ứng phó với BĐKH

Bộ Khoa học, sáng tạo tương lai

Lựa chọn 6 CNX cốt lõi

Nguồn: Sách trắng về chính sách CNX (Trung tâm CNX 2014)

   Như vậy, trong thời gian qua, đã có nhiều thay đổi về chính sách CNX và những thay đổi này là cần thiết, phù hợp với quá trình phát triển. Thời kỳ Tổng thống Lee Myung-bak có thể được coi là thời kỳ nền tảng - tạo lập các cơ sở về mặt pháp lý (Luật TTX, ít các bon), thành lập cơ quan điều hành trong nước (Ủy ban TTX), thành lập tổ chức hoạt động quốc tế (Viện TTX toàn cầu), đưa ra những Kế hoạch 5 năm và tầm nhìn 60 năm,… để xây dựng nền móng cho quá trình phát triển CNX. Đến thời kỳ Tổng thống Park Geun-hye, dựa vào nền tảng sẵn có, việc phát triển CNX sẽ chuyển từ nghiên cứu sang ứng dụng thí điểm và mở rộng sang thương mại hóa, sản xuất và xuất khẩu. Ví dụ như hệ thống thử nghiệm Lưới điện thông minh được xây dựng năm 2009 tại đảo Jeju đã áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin vào mạng điện lưới vốn có. Với những nghiên cứu đã thu được, tới đây, Hàn Quốc mở rộng các thử nghiệm này. Thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra tại thành phố lớn, sau đó sẽ tiếp tục được mở rộng ra khắp cả nước. Như vậy, CNX sẽ phát triển theo hướng “từ phòng thí nghiệm đi vào thực tiễn cuộc sống”.

   Hiện nay, phát triển CNX đang là xu thế toàn cầu và hứa hẹn một thị trường rộng mở, đầy triển vọng trong tương lai. Xét từ bối cảnh quốc tế và trong nước, Hàn Quốc đã chủ động tích cực tham gia vào cuộc đua CNX với mong muốn tìm động lực mới làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Nỗ lực này của Hàn Quốc không chỉ góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia mà còn thể hiện trách nhiệm của một đất nước đối với những nguy cơ mang tính toàn cầu.

   Về mặt chính sách, trong vòng chưa đầy 10 năm, Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra một nền tảng chính sách và pháp lý tương đối đầy đủ làm căn cứ cho những định hướng phát triển sau này. Mỗi một giai đoạn phát triển, Hàn Quốc đều lập ra những kế hoạch từ ngắn hạn đến trung hạn và dài hạn, cùng các mục tiêu cụ thể làm thước đo để đánh giá kết quả cũng như đưa ra những điều chỉnh khi cần thiết. Việc xây dựng đường lối chính sách như vậy chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho CNX của Hàn Quốc ngày một phát triển trong tương lai.

            Lương Hồng Hạnh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn