Banner trang chủ

Lượng khí metan thải ra từ các đập thủy điện cao hơn 25% so với ngưỡng cho phép

18/11/2016

     Trước đây, thủy điện là lựa chọn hàng đầu và ưu việt hơn hẳn nhiệt điện và các dạng điện năng khác vì chi phí rẻ, hiệu năng cao và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta không thể tin cậy vào các đập thủy điện như nguồn lực của hy vọng và tương lai nữa. Các nhà khoa học đã chỉ ra, công nghệ sử dụng cho các đập thủy điện đang gây hậu quả nghiêm trọng đến khí hậu, lượng khí metan thải ra từ đập thủy điện cao hơn 25% so với ngưỡng cho phép, chiếm đến 1,3% trong tổng số tất cả lượng khí thải từ con người.

 


Nguồn nước dự trữ trong các hồ thủy điện là nguyên nhân chính tạo ra khí metan

 

     Bản thân con đập không phải vấn đề, nguồn nước dự trữ trong các hồ thủy điện mới là nguyên nhân chính. Các hồ thủy điện thường rộng và sâu, hiếm ô xy nhưng nhiều tảo và vi khuẩn dưới đáy. Khí metan được sinh ra chủ yếu do vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ít hoặc không có ô xy. Do hệ thống ống dẫn nước cho các tua-bin thủy điện thường được đặt sâu dưới đáy hồ, ở điều kiện áp suất cao, khí metan trong nước dễ dàng thoát ra ngoài. Hiện tượng này cũng giống như khi khui chai sô-đa, phần lớn khí metan hòa tan trong bọt nước thoát ra không khí.

     Điều đáng nói là, khí metan không duy trì trong không khí lâu như khí cacbonic và trong 20 năm qua, khí metan góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu nhiều gấp 3 lần khí cacbonic. Nếu không có gì thay đổi, trong tương lai sẽ có nhiều đập thủy điện mọc lên khắp nơi và Trái đất sẽ tiếp tục nóng hơn. Điều này không có nghĩa chúng ta nên cấm việc xây dựng các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, các dự án cần xem xét cách thức để giảm thiểu sự sinh sôi của các nhóm thực vật và vi khuẩn dưới đáy hồ, chẳng hạn như làm vệ sinh đáy hồ mỗi tháng…

 

Trần Tân (Theo vnreview)

Ý kiến của bạn