Banner trang chủ

Lâm Ðồng triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh

19/01/2016

   Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (TTX) và Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn Lâm Đồng.

Đà Lạt - Thành phố xanh

   Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phát triển kinh tế bền vững, làm giàu vốn tự nhiên, phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính (KNK) phù hợp với nguồn nhân lực và tình hình thực tế của địa phương; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống và môi trường sống của nhân dân. Ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm cường độ phát thải KNK và góp phần ứng phó BĐKH. Xanh hóa các ngành sản xuất, khuyến khích phát triển các ngành sản xuất sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng với giá trị tăng cao.

   Để đạt các mục tiêu trên, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TTX; Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành kinh tế, hạn chế những ngành sản xuất phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới; Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững (giao thông, năng lượng, thủy lợi, nước sinh hoạt…); Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn; Đô thị hóa bền vững; Xây dựng nông thôn mới có lối sống hài hòa với môi trường; Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh; Phát triển nguồn nhân lực để thực hiện TTX; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính để thực hiện TTX, Lâm Đồng còn chú trọng việc giảm phát thải KNK thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để thực hiện TTX.

   Nhằm giảm phát thải KNK thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, Lâm Đồng sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Phát triển mạnh các loại sản phẩm có tiềm năng, lợi thế và thị trường tiêu thụ ổn định như cà phê, trà, rau, hoa, cao su… hình thành vùng chuyên canh an toàn và chất lượng cao. Khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng các công nghệ tiết kiệm về giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên đất, nước và giảm phát thải KNK. Phổ biến công nghệ xử lý và tái chế phụ phẩm, chất phế thải trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas, phân bón hữu cơ… Triển khai nhân rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện các biện pháp ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, gắn các điểm chăn nuôi tập trung với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh quan tâm công tác trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư nông thôn sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất rừng. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trồng rừng kinh tế trên đất trống, đồi núi trọc, hàng năm trồng mới từ 2.000 - 3.000 ha rừng; duy trì và nâng tỷ lệ che phủ rừng bình quân toàn tỉnh 60 - 61% vào năm 2020. Thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng và giao đất lâm nghiệp. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của rừng đặc dụng, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái, phát triển toàn diện rừng sản xuất nhằm cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong bảo tồn, phát triển bền vững rừng; đa dạng hóa sinh kế cho dân cư sống trong rừng và gần rừng. Rà soát, sắp xếp lại mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp cho phù hợp và hiệu quả. Thực hiện các chương trình giảm phát thải KNK thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+).

   Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để thực hiện TTX rất được tỉnh quan tâm. Theo đó, tỉnh sẽ bổ sung các đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực TTX như: năng lượng xanh, vật liệu và xây dựng, cơ khí giao thông vận tải, công nghệ nông - lâm - sinh học, hóa học xanh, xử lý chất thải… vào danh mục đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng năm. Xây dựng năng lực tư vấn kỹ thuật và quản lý TTX; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp xanh; xúc tiến hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật - quản lý và thị trường phục vụ TTX. Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp. Xây dựng các mô hình thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm, sản xuất sạch hơn. Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường bằng công nghệ cao. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về sử dụng tiết kiệm năng lượng.

                Thanh Hoa - Tuấn Anh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)

Ý kiến của bạn