08/08/2016
TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) có diện tích 394,64 km², nằm trên cao nguyên Lâm Viên thuộc vùng Tây Nguyên của nước ta. Với độ cao 1.500 m so với mực nước biển và được các dãy núi cùng hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt có khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử cũng để lại cho TP một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “TP sương mù”, “TP ngàn thông”, hay “TP ngàn hoa”. Tài nguyên thiên nhiên phong phú với giá trị văn hóa lịch sử đã giúp Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Mỗi năm, Đà Lạt thu hút hàng triệu du khách tới thăm và nghỉ dưỡng.
Mô hình “Làng đô thị xanh” tại Đà Lạt sẽ phát huy các giá trị phát triển bền vững - sinh thái |
Để Đà Lạt trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung “Xây dựng TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng được giao thí điểm xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” tại TP. Đà Lạt.
Mô hình “Làng đô thị xanh” tại Đà Lạt được coi là loại hình du lịch nông nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và sản xuất nông nghiệp sạch. Đồng thời, giải quyết việc làm trên cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển làng nghề; khai thác tối đa du lịch canh nông. Trọng tâm của mô hình hướng tới thực thi các giải pháp bảo vệ và xử lý môi trường, làm giàu hệ sinh thái đô thị, an sinh xã hội và đạo đức công dân được coi trọng. Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ và quản trị của “Làng đô thị xanh” luôn hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng phong cách người Đà Lạt “thanh lịch, hiền hòa, mến khách”, là điểm đến du lịch hấp dẫn, giữ được bản sắc văn hóa con người Việt Nam…
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng “Làng đô thị xanh”. Dự kiến, mô hình “Làng đô thị xanh” tại Đà Lạt sẽ có quy mô khoảng 200-300 ha, được xây dựng trên nguyên tắc nâng cấp đô thị hiện có và kết hợp với quy hoạch mới. Trong đó, có các công trình dịch vụ cao cấp chủ yếu như khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại nhiều tiện ích tạo điểm nhấn cho không gian “Làng đô thị xanh”, phục vụ nhu cầu đời sống - xã hội của người dân. Ngoài ra, ưu tiên diện tích cho đường đi bộ, giao thông công cộng, mật độ xây dựng công trình không quá 30% và bổ sung lượng lớn cây xanh. Tiến hành đồng bộ về hạ tầng, phân cấp đường giao thông, khuyến khích người dân đi bộ trong làng đô thị hoặc dùng xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng giảm khí thải nhà kính, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió).
Bộ tiêu chí tạm thời về “Làng đô thị xanh” cũng đề cập đến các yêu tố khác như địa điểm quy hoạch, xây dựng đảm bảo bền vững. Trong giai đoạn thí điểm chọn vùng ven TP. Đà Lạt hiện hữu có kết nối đường vành đai ngoài TP, chú trọng các khu vực đất trống, giải tỏa, tái định cư ít, có quỹ đất nông nghiệp để sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng phát triển “Làng đô thị xanh” phù hợp với địa hình, cảnh quan, các khu vực tập trung công trình cư trú, công cộng, dịch vụ được bố cục khoa học, hợp lý thể hiện đầy đủ tính kinh tế của đất xây dựng. Cùng với đó, “Làng đô thị xanh” sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh với hệ thống sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị, quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với đề xuất các mô hình canh tác tiết kiệm đất và nước. Đặc biệt, bộ tiêu chí trong “Làng đô thị xanh” còn đề cập đến chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường sống; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch…
Hy vọng, trong thời gian tới, mô hình “Làng đô thị xanh” tại Đà Lạt sẽ được triển khai và nhân rộng trên cả nước, góp phần giải quyết cân bằng, hài hòa giữa phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị phát triển bền vững - sinh tháin
Đức Anh
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016