08/08/2016
Ngày 28/6/2016, Huế chính thức được WWF quốc tế vinh danh là thành phố (TP) xanh quốc gia của Việt Nam với những nỗ lực thực hiện chính sách và sáng kiến để trở thành TP đi đầu của cả nước trong phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Cùng với danh hiệu "TP Văn hóa ASEAN", "TP Bền vững về môi trường" do ASEAN bình chọn năm 2014, danh hiệu "TP xanh quốc gia năm 2016" là một niềm khích lệ lớn, nhưng cũng đặt ra cho chính quyền và người dân TP những nhiệm vụ và trọng trách lớn vì một tương lai bền vững.
Trồng thêm nhiều diện tích cây xanh, bảo vệ diện tích mặt nước tự nhiên là một trong những kế hoạch hành động xây dựng Huế là TP xanh quốc gia |
TP. Huế đã được công nhận là một trong các TP xanh trên thế giới với cam kết đến năm 2020, TP sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Cùng với cam kết này, TP đã đưa ra 6 kế hoạch hành động cụ thể bao gồm:
Tăng cường xanh hóa đô thị thông qua việc đẩy mạnh trồng thêm nhiều diện tích cây xanh, bảo vệ diện tích mặt nước tự nhiên. Hiện nay, diện tích công viên cây xanh, đường phố có cây xanh ở TP Huế lên đến hơn 750 ha trong tổng số 7.100 ha diện tích đất công cộng. Đặc biệt, ở Huế hiện còn khoảng 800 ngôi nhà vườn với hệ thống cây xanh bao phủ, có giá trị về văn hóa và lịch sử, cho nên những khu vườn này đã tạo thành một tổng thể cây xanh cho đô thị Huế đầy ấn tượng. Theo các nhà nghiên cứu Trường Đại học Nông Lâm Huế, cây xanh ở Huế rất phong phú, đa dạng, có ít nhất hơn 170 loài thuộc 45 họ thực vật khác nhau với đủ các màu sắc và kiểu dáng tự nhiên. Dự kiến đến năm 2017, diện tích cây xanh đô thị của Huế sẽ đạt 5,34 triệu m2, tương đương bình quân 15m2 cây xanh trên mỗi người dân.
Xây dựng và cải thiện công tác giám sát, xử lý nước thải và chất thải rắn của TP. Phần lớn, các chất thải rắn và nước thải của TP được giám sát, thu thập và xử lý, đóng góp lớn vào việc làm cho Huế trở nên xanh hơn. Dự kiến, 70% lượng nước thải của TP sẽ được xử lý trước khi xả ra sông, giúp các dòng sông giữ được vai trò sinh thái tự nhiên của chúng; 100% chất thải rắn được thu gom xử lý bằng các biện pháp chế biến rác thải và chôn lấp tại các bãi chôn quy hoạch.
Áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh hiệu suất năng lượng cao với việc tăng cường chiếu sáng công cộng bằng năng lượng sinh học (biogas), thay thế hàng loạt đèn chiếu sáng từ neon sang đèn LED và được điều khiển bằng hệ thống thông minh, có khả năng tự động thay đổi chế độ và thời gian chiếu sáng. Hoạt động ước tính làm giảm 30% lượng khí thải nhà kính hàng năm trong chiếu sáng công cộng.
Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho TP, trong đó chú trọng vào việc tổ chức xây dựng các tuyến thăm quan nhà vườn; các công trình di tích, hệ thống sông hồ, thủy đạo. Theo đó, triển khai các giải pháp nhằm giảm 9% khí gây hiệu ứng nhà kính trong vận chuyển ngành du lịch và tạo thêm việc làm liên quan đến lĩnh vực phát triển xanh cho người dân TP. Các hoạt động bao gồm bảo tồn nhà vườn, phát triển các vườn rau sạch trong các khu nhà vườn, thúc đẩy phương tiện vận chuyển phi cơ giới như đi bộ, xe đạp, xe điện.
Đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo vào các hoạt động du lịch và dịch vụ của TP. Đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời vào ngành du lịch và dịch vụ, vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Dự kiến đến năm 2020, khoảng 80% khách sạn, nhà hàng và các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng nước nóng khác trên toàn TP chuyển sang sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời thay thế cho việc dùng điện.
Sử dụng vật liệu tự nhiên, vật liệu xây dựng không nung để xây dựng các công trình, cơ sở công cộng và tư nhân/hộ gia đình. Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 29/8/2013 của UBND Thừa Thiên - Huế quy định bắt buộc sử dụng ít nhất 50% vật liệu xây dựng không nung từ ngày 1/1/2014 và 100% từ ngày 1/1/2015 đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; sử dụng tối thiểu 30% từ ngày 1/1/2014 và 50% từ ngày 1/1/2016 đối với các công trình từ 9 tầng trở nên, không phân biệt nguồn vốn đầu tư nhà nước hay tư nhân.
Cùng với Huế, có 17 TP khác trên thế giới lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn do một ban đánh giá gồm 17 chuyên gia độc lập trên thế giới thực hiện. Pari - Kinh đô ánh sáng - đã trở thành quán quân của cuộc thi với những thành công trong việc thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và các TP khác trong hành trình tiến tới phát triển bền vững.
Chương trình TP xanh quốc tế (EHCC) là một sáng kiến của WWF nhằm kêu gọi các TP trên thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðây là một chương trình được tổ chức định kỳ với quy mô ngày càng mở rộng, tạo cơ hội cho các TP được trình bày những kế hoạch toàn diện về chủ đề tăng trưởng các bon thấp cũng như tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mang tính tái tạo, bền vững và hiệu quả cao trong những thập kỷ tới. |
Ngân Phương
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016