22/05/2019
Liên quan đến tình hình nguồn cung năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, phụ tải 4 tháng đầu năm 2019 đạt 74,35 tỷ kWh, cao hơn 628 triệu kWh so với kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự kiến, tháng 5 và 6/2019, phụ tải tiếp tục tăng cao theo chu kỳ hàng năm, ở mức 42,8 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000 - 39.000MW, tăng 11%-14% so cùng kỳ năm 2018.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, hiện cả nước có 147 nhà máy điện truyền thống có công suất đặt từ 30 MW trở lên. Đối với các nhà máy điện mặt trời, ngày 23/4/2019, mới có 4 nhà máy; đến ngày 17/5, có 27 nhà máy; dự kiến cuối tháng 6/2019 sẽ có 88 nhà máy điện mặt trời.
Chia sẻ thêm về những thuận lợi, khó khăn trong vận hành nguồn điện mặt trời, ông Nguyễn Đức Ninh cho biết, về thuận lợi, cơ chế khuyến khích đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực điện năng, giảm áp lực về việc thu xếp vốn xây dựng các công trình nguồn điện của Chính phủ, các tập đoàn nhà nước, qua đó góp phần tăng cường an ninh cung ứng điện quốc gia.
Với đặc điểm khí hậu phù hợp, các dự án điện mặt trời điện gió chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam và Nam Trung bộ là khu vực có tỉ trọng phụ tải chiếm khoảng 50% so với toàn quốc, vì vậy, việc đưa vào các dự án năng lượng tái tạo phần nào sẽ giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng tại miền Nam, góp phần tăng cường an ninh cung ứng điện và giảm căng thẳng trong công tác vận hành hệ thống điện.
Bên cạnh đó, việc vận hành nguồn điện mặt trời cũng gặp nhiều khó khăn như tình trạng quá tải; tính bất định công suất phát; vấn đề chất lượng điện năng (sóng hài); các vấn đề liên quan đến cơ chế giảm nguồn khí phát thải, tiêu chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn vận hành...
Nỗ lực của EVN dự kiến đóng điện vận hành 88 nhà máy điện mặt trời cuối tháng 6/2019 sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, phục vụ kinh tế quốc dân.
Nguyệt Minh