06/02/2017
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, là một trong năm ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khốc liệt. Trong hơn 65 năm qua, thiên tai đã xảy ra ở hầu khắp các khu vực trên cả nước, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và tác động xấu đến môi trường. Trong 10 năm trở lại đây, trung bình hàng năm có tới 750 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính tương đương khoảng 1-1,5% GDP. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đã và đang làm thiên tai ở nước ta có chiều hướng ngày càng phức tạp, gia tăng nhiều hơn so với những thập kỷ trước về cả quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Bối cảnh đó cho thấy, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu (GSKH) là rất cấp thiết và cần làm sáng tỏ.
Hiện tượng xói lở do triều cường gây ra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long |
Biểu hiện và tác động của BĐKH
Theo Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (UN IPCC, 2007): BĐKH là sự thay đổi trạng thái khí hậu có thể được nhận biết bằng các thay đổi giá trị trung bình hoặc sự biến thiên các đặc tính của nó, duy trì trong các thời gian kéo dài, theo tiêu chuẩn hàng thập kỷ hoặc dài hơn. Quan điểm khác cho rằng: BĐKH nhằm chỉ những thay đổi có xu thế dài hạn so với trạng thái khí hậu trung bình. Sự thay đổi thời tiết hiện tại biểu thị mối liên hệ chặt chẽ với các ảnh hưởng do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển. Như vậy, BĐKH là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan. Những năm vừa qua, BĐKH tác động ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại phát triển của con người và sinh vật, như: dịch bệnh, thiệt hại về kinh tế, giảm đa dạng sinh học, hủy diệt hệ sinh thái…Ví dụ: BĐKH khiến khu vực đồng bằng sông Cửu Long mấy năm gần đây thiếu nước ngọt trầm trọng, không còn mùa nước nổi, không có phù sa về bồi đắp dẫn tới nước biển xâm nhập sâu vào đất liền. Đặc biệt, BĐKH còn gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, như: hiện tượng El Nino gây hạn hán kéo dài tại Ninh Thuận, Bình Thuận có những nơi hơn một năm không có mưa; hiện tượng LaNina bão lũ thường xuyên… gây thiệt hại lớn cho đời sống, sản xuất của người dân.
Do vậy, để ứng phó với BĐKH, có hai giải pháp: Giảm tác động của BĐKH đối với xã hội (thích ứng) và giảm tốc độ BĐKH xảy ra (giảm nhẹ).
Thích ứng nhằm chỉ hoạt động ứng phó với các hậu quả của BĐKH, mà chủ yếu là giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương đối với các ảnh hưởng của BĐKH (cần lưu ý rằng, thích ứng cũng có thể đề cập đến việc khai thác bất kỳ cơ hội lợi ích mà BĐKH có thể mang lại). Theo định nghĩa của Chương trình khung về vấn đề BĐKH của Liên hợp quốc (UNFCCC): “BĐKH là các bước thực tế để bảo vệ các quốc gia và các cộng đồng có thể bị phá vỡ hoặc bị thiệt hại do BĐKH”. Còn giảm nhẹ BĐKH là sự can thiệp của con người nhằm giảm nhẹ các nguồn phát thải khí nhà kính hoặc tăng cường các bể chứa nhà kính (UNFCCC). Các hoạt động nhằm giảm nhẹ BĐKH bằng cách giảm bớt lượng phát thải khí nhà kính - nguyên nhân gây nên sự nóng lên toàn cầu, được xem như là “giảm nhẹ BĐKH”. Ví dụ, về giảm nhẹ BĐKH bao gồm: sử dụng xăng dầu có nguồn gốc tự nhiên một cách hiệu quả hơn trong các hoạt động công nghiệp hoặc phát điện, hay chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, cải thiện lớp cách nhiệt trong các công trình xây dựng và mở rộng diện tích rừng và các bể chứa CO2 khác để loại bỏ một lượng lớn cácbonic trong khí. Việc ứng phó hiệu quả với BĐKH sẽ góp phần làm giảm hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường. Bên cạnh đó, cần phải chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai.
Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng chính sách pháp luật về chủ động ứng phó với thiên tai và GSKH
Quan điểm, mục tiêu xây dựng xây dựng chính sách pháp luật về chủ động ứng phó với thiên tai và GSKH
Xuất phát từ thực trạng các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan ở Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều và BĐKH ngày càng tác động gây thiệt hại nặng nề cả kinh tế, xã hội và môi trường. Do vậy, mục tiêu của chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và GSKH là phòng ngừa, hạn chế những tác động xấu của thiên tai, BĐKH đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, quan điểm xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và GSKH đã được Đảng ta khẳng định tại Nghị quyết số 26 NQ/TƯ ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh: "nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai một bước các công trình giảm thiểu tác hại của BĐKH và nước biển dâng...". Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 cũng khẳng định mục tiêu chung: “là huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT từ nay đến năm 2020.”
Nguyên tắc và các yêu cầu đối với việc xây dựng thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và GSKH
Trong một nghiên cứu về thảm họa thiên nhiên công bố ngày 11/11/2013 (sau khi cơn bão Haiyan xảy ra), Giáo sư chuyên ngành khí tượng Kerry Emanuel - Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ nhận định, hầu hết các thảm họa thiên nhiên đều có sự "đóng góp" lớn của hai yếu tố, đó là con người và thiên nhiên. Trong khi đó, cùng với đặc điểm địa lý, nhà nghiên cứu Brian McNoldy đến từ Đại học Miami cho rằng hậu quả của hành động của con người "đóng góp" khoảng 80% vào các thảm họa thiên nhiên xảy ra trên thế giới. Do vậy, việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và GSKH ở Việt Nam được hiệu quả cần phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững, coi trọng phòng ngừa thiên tai và giám sát chặt chẽ, hiệu quả BĐKH; nguyên tắc xã hội hóa các hoạt động ứng phó với thiên tai và GSKH; nguyên tắc bảo đảm quyền an toàn về tính mạng, sức khỏe của con người; nguyên tắc hợp tác quốc tế và khu vực trong ứng phó với thiên tai và GSKH, nguyên tắc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong ứng phó thiên tai và GSKH.
Bên cạnh đó việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và GSKH cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Một là, xây dựng chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và GSKH cần đảm bảo tính hoàn thiện, tính công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận, chi phí thực hiện thấp;
Hai là, xây dựng chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu cần hướng vào phòng ngừa, hạn chế các nguyên nhân gây ra thiên tai, BĐKH;
Ba là, chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và giám sát BĐKH phải đảm bảo tính dự báo, cảnh báo;
Bốn là, chính sách pháp luật về tính nhanh chóng, kịp thời;
Năm là, chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và giám sát BĐKH cần đảm bảo tính phòng ngừa rủi ro phát sinh;
Sáu là, chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và giám sát BĐKH cần đảm bảo tính cộng đồng trách nhiệm. Bên cạnh khẳng định trách nhiệm nhà nước, cần phát huy vai trò của cộng đồng, của các tổ chức xã hội, truyền thông trong ứng phó thiên tai và GSKH.
Bảy là, chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và giám sát BĐKH cần đảm bảo tính liên kết vùng, quốc gia, khu vực;
Tám là, chính sách pháp luật về ứng phó với thiên tai và giám sát BĐKH cần đảm bảo ứng phó với thiên tai và GSKH cần gắn vai trò của khoa học công nghệ
TS. Bùi Đức Hiển
Viện Nhà nước và Pháp luật
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016