Banner trang chủ

Các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái hồ Tây trong bối cảnh biến đổi khí hậu

07/11/2016

   Hồ Tây có diện tích 527,517 ha, nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, là một phân khúc của lòng sông Hồng cổ đã đổi dòng, do đó, ngoài khu vực chính, xung quanh hồ là một hệ thống ô trũng, ao đầm dày đặc được liên kết với nhau qua các hệ thống cống và kênh mương ngầm. Hồ Tây được đánh giá là hệ sinh thái (HST) hồ nước ngọt, xếp hạng thứ 11 trong số 68 HST đất ngập nước (ĐNN), có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của Việt Nam. Hiện tại, hồ Tây được xếp vào danh sách các hồ cần bảo tồn trên thế giới theo trang web của Tổ chức Thế giới về môi trường hồ (ILEC).

   1. Hồ Tây - Một hình thái ĐNN quan trọng

   Các chức năng dịch vụ HST hồ Tây trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH)

   Hồ Tây là loại hình ĐNN đô thị nên có sự tương tác giữa con người với HST. Vì vậy, khi xem xét các giá trị và chức năng của ĐNN đô thị sẽ phải đặc biệt lưu ý đến mối tương quan của chúng với môi trường sinh hoạt, phong cách sống và đời sống tinh thần của người dân đô thị.

   Theo Báo cáo Đánh giá HST Thiên niên kỷ, hồ Tây có những giá trị và chức năng sinh thái bao gồm: chứa, chuyển đổi và nạp, tiết nước ngầm, điều tiết chế độ thủy văn, chuyển đổi, phân hủy, lưu trữ các chất dinh dưỡng và chu trình hóa học của các chất như nitơ, các bon, lưu huỳnh... Ngoài ra, hồ còn là nơi cung cấp sinh khối, năng suất sơ cấp và là nơi sinh sống của các loài động, thực vật và vi sinh vật.

   Hàng năm, hồ Tây được thả nuôi từ 2,2 - 2,5 triệu con tương đương khoảng 5 tấn cá giống. Ước tính, sản lượng cá thu được cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 400 tấn/năm. Đây là nguồn cung cấp thực phẩm tương đối lớn cho người dân Hà Nội. Các loài cá được thả nuôi gồm mè trắng, mè hoa, chép, trôi rohu, trôi mrigan, trắm cỏ, trắm đen. Ngoài ra, hàng năm vào các dịp lễ tết người dân cũng thả phóng sinh nhiều loài cá như cá chép, cá vàng, cá quả. Đây cũng là một trong những nguồn bổ sung cá giống cho hồ Tây.

   Trong các dịch vụ hệ sinh thái của hồ Tây thì dịch vụ quan trọng nhất là điều hòa nước mưa, hạn chế ngập lụt cho khu vực xung quanh và tiếp nhận nước thải sinh hoạt. Với diện tích mặt nước hơn 500 ha, do nước mưa được điều hòa chảy vào lòng hồ, trong các trận lụt lịch sử của Hà Nội khu vực xung quanh hồ Tây, khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ mức độ thiệt hại tài sản, do ngập, lụt thấp hơn so với các quận Đống Đa, Từ Liêm, Hoàng Mai (hư hỏng đồ đạc, phương tiện đi lại trong các gia đình...). Thống kê cho thấy, các điểm ngập lụt xuất hiện nhiều tại các vùng đất mà ao, hồ, đầm bị san lấp hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, nhưng vùng quanh hồ Tây thì thời gian ngập chỉ tính trong vài giờ (do hệ thống cống tiêu thoát ra hồ không kịp), thiệt hại kinh tế không đáng kể. Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, các cơn mưa lớn bất chợt, không theo quy luật, các trận bão với cường độ, lượng mưa lớn trong thời gian ngắn thì việc tích, điều hòa, thu nhận nước mưa chảy tràn của hồ Tây sẽ giúp giảm những thiệt hại về kinh tế và môi trường cho Hà Nội. Ngoài ra, trong mùa khô, hồ Tây cũng giúp cung cấp một nguồn nước tưới cho các làng nghề trồng hoa cổ truyền quanh hồ như làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Phú Thượng, Tứ Liên.

   Dịch vụ hệ sinh thái quan trọng không kém của hồ Tây nói riêng, hệ thống hồ nội thành nói chung là dịch vụ điều hòa vi khí hậu. Với mật độ dân cư ngày càng tăng, số lượng nhà cao tầng ngày càng nhiều không gian của thủ đô ngày càng thu hẹp, hồ Tây và các hồ trong lòng Hà Nội cùng với hệ thống công viên cây xanh bao quanh được ví như các lá phổi xanh góp phần điều hòa không khí của Hà Nội. Vào mùa nóng, mặt thoáng mang hơi ẩm mát mẻ của hồ sẽ giúp cho gió mát thổi vào phố phường; vào mùa lạnh, hơi ấm từ hồ giúp cho khí hậu quanh hồ được ấm hơn. Khi nhiệt độ tăng cao với cường độ nắng lớn, nước mặt bay hơi làm cho mặt nước hồ giảm nhiệt độ, với 500 ha diện tích mặt nước thì hồ Tây là một nơi lý tưởng và mát mẻ để nghỉ ngơi, thư giãn. Điều này được thể hiển rõ nét nhất vào các tối mùa hè oi bức, người dân các vùng lân cận tới hồ Tây để tìm một không gian với không khí mát mẻ hơn trong khu phố với các ngôi nhà bê tông nóng bức, ngột ngạt. Khi sự thay đổi về thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mùa hè như dài hơn, số ngày nắng nóng và thời gian nắng nóng trong ngày cũng dài hơn thì việc được hít thở một bầu không khí trong lành, thoáng đãng ven hồ Tây là một điều quý giá và đáng trân trọng.

   Theo nghiên cứu của các chuyên gia về hồ ao học trên thế giới, thì các hồ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu khí nhà kính như CO2, NH4, NO3 bởi các thành phần sinh vật sinh sống trong lòng hồ. Điều này giúp làm giảm nồng độ các khí nhà kính và làm cho vùng hồ đó có nhiệt độ thấp hơn các vùng khác (ít bị hấp thụ nhiệt hơn do nồng độ khí nhà kính thấp hơn nơi khác). Hồ Tây cũng không là ngoại lệ, các loài sinh vật thủy sinh như tảo, rong rêu, sen, các loài thực vật thủy sinh và cây ven bờ hồ hấp thu các khí nhà kính giải phóng ôxy trong quá trình sinh trưởng góp phần làm trong lành bầu không khí của khu vực. Ngoài ra, các lớp thực vật trên bờ giúp chống xói mòn của dòng chảy trên bề mặt đất, giúp nước mưa thẩm thấu nhanh hơn, giảm ngập lụt cho vùng đất xung quanh hồ.

   Ngoài ra, hồ Tây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật trong đó có một số loài quý hiếm đặc hữu như tảo, chim sâm cầm, sen Bách Diệp hồ Tây. Hiện tại, chức năng và dịch vụ cung cấp thức ăn như cá và các loài thủy sản khác được sử dụng thứ yếu, hầu hết các loài động thực vật thủy sinh được nuôi trồng chủ yếu để làm nhiệm vụ cải tạo môi trường trong lòng hồ. Hồ Tây được coi như một hình mẫu về quỹ gen của đồng bằng Bắc bộ bởi có tới 122 loài vi tảo, 38 loài động vật nổi và hàng chục loại cá, động vật đáy khác. Hồ Tây cũng là nơi trú đông của nhiều loài chim nước như le le, vịt trời, sâm cầm...(Bảng 2).

   Các giá trị và dịch vụ văn hóa, tâm linh, khoa học của hồ Tây

   Hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng trên đất Thăng Long. Gắn liền với hồ Tây có rất nhiều truyền thuyết dân gian, giai thoại văn học và các di tích văn hóa lịch sử. Đây là nơi có rất nhiều đình chùa với các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử, trong đó nổi bật là các di tích kiến trúc của đạo Phật, các ngôi chùa nổi tiếng về lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc nghệ thuật như chùa Trấn Quốc, Kim Liên, Quảng Bá, Tây Hồ, Thiên Niên và Tảo Sách và đình Yên Phụ.

   Là một vùng đất có nhiều công trình lịch sử cùng với cảnh đẹp tự nhiên, hồ Tây là nơi thể hiện dịch vụ văn hóa rõ nét nhất trong các hồ của Hà Nội. Đây là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh không chỉ người dân Hà Nội mà còn thu hút du khách tới để chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các giá trị về văn hóa, lịch sử... Hồ Tây còn là một trong những địa điểm nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thư giãn đối với người dân Hà Nội cũng như du khách thập phương thông qua các dịch vụ vui chơi, nhà hàng, quán ăn được xây dựng trên mặt nước cũng như ven hồ, công viên bằng cách tận dụng khoảng không gian thoáng đãng của hồ Tây.

   Hồ Tây cũng được sử dụng như một điểm nghiên cứu về các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen, các loài động, thực vật tự nhiên và là nơi thực tập ngoài trời tốt cho sinh viên và học sinh một số trường đại học và phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

   2. Tác động của BĐKH đến hồ Tây

   Hà Nội đã phải hứng chịu những đợt rét kỷ lục, nắng nóng cực đoan và trận đại hồng thủy năm 2008… là những biểu hiện của BĐKH. Trong năm 2014, 2015, Hà Nội đã phải hứng chịu nắng nóng trong suốt tháng 5, 6, 7. Nắng nóng còn kéo dài cả sang mùa thu. Thậm chí, Hà Nội còn trải qua một mùa đông ấm năm 2015.

   Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (DBKTTV) Trung ương, trong các tháng nửa đầu năm 2016, Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc có nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1o C. Ngoài ra, trong 2 tháng chính mùa đông là tháng 1 và tháng 2/2016, nhiệt độ có xu hướng cao hơn TBNN. Hiện tượng mưa trái mùa đã xuất hiện trong các tháng mùa Đông Xuân.

   Theo nghiên cứu của Hiệp hội các nhà Khoa học Hoa Kỳ, các hồ, trong đó có các hồ nước ngọt sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố BĐKH nhất định. Đối với hồ Tây, BĐKH có thể tác động tới HST hồ, cụ thể như: Trong điều kiện nhiệt độ tăng cao đột biến vào một số thời gian nhất định trong năm làm cho vùng nước mặt bị nóng lên và giảm quá trình hấp thụ ôxy vào trong nước. Khi nồng độ ôxy nước mặt giảm dẫn đến môi trường sống của một số loài các nước mặt bị ảnh hưởng, ngoài ra các vùng nước ấm, thiếu ôxy và dư CO2 là môi trường thuận lợi cho các loài tảo độc nở hoa. Sau khi tảo nở hoa, nước sẽ bị ô nhiễm do các loài sinh vật dưới nước chết, cùng với xác tảo phân hủy gây mùi hôi, ô nhiễm ở khu vực hồ, ảnh hưởng đến môi trường không khí cũng như chất lượng nước hồ. Việc nhiệt độ tăng cao khi nắng nóng cường độ lớn vào mùa hè, hoặc lạnh sâu dài hơn vào mùa đông có thể gây tác động đến các sinh vật trong lòng hồ cũng như trên bờ hồ. Một số loài sinh vật không chịu nhiệt độ lạnh sâu kéo dài có thể bị chết và không thể phục hồi nếu như không được bảo vệ ví dụ như loài sen Bách Diệp trong khu vực hồ.

   Khi lượng mưa với cường độ và tần suất biến đổi lớn, gây gia tăng hiện tượng lụt trong vùng hồ và các vùng lân cận, lũ do nước mưa kết hợp với nước thải sinh hoạt bị tràn ra từ các hệ thống cống, rãnh ven hồ đây có thể biến thành các ổ dịch bệnh liên quan đến môi trường nước ứ đọng, ô nhiễm. Ngoài ra, khi nước mưa chảy tràn kéo theo nước cống rãnh với nồng độ các chất vô cơ, hữu cơ cao có thể gây ra hiện tượng phú dưỡng trong lòng hồ và có thể gây các mùi hôi. Hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các sinh vật trong hồ mà còn ảnh hưởng tới người dân sinh sống quanh hồ và du khách khi đến thăm hồ.

Hồ Tây - lá phổi xanh của TP. Hà Nội

   3. Kết luận và đề xuất

   Có thể nói, hồ Tây và các ao hồ khác của Hà Nội có các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái rất quan trọng cho thành phố, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái của hồ Tây vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và đầy đủ. Bên cạnh đó, việc quản lý các hồ Hà Nội nói chung, hồ Tây nói riêng vẫn còn những tồn tại và hạn chế, đặc biệt là đặt trong bối cảnh BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa môi trường... Vì vậy, cần có những nghiên cứu cũng như giải pháp quản lý phù hợp vừa giúp cho TP. Hà Nội ứng phó với BĐKH vừa bảo tồn và sử dụng được một cách khôn khéo hệ sinh thái hồ Tây.

   Trước mắt, cần đặc biệt lưu ý các nghiên cứu về chế độ tiếp nhận, điều hòa dòng chảy nước mưa vào mùa hè và cung cấp nước vào mùa đông bằng các công nghệ mới, phù hợp với điều kiện của TP. Sử dụng lại, nâng cấp hệ thống thu gom nước mưa, nước chảy tràn từ các khu phố lân cận đổ vào hồ qua hệ thống ống thu gom nước bề mặt chảy theo độ dốc, sử dụng bộ lọc rác và khơi thông dòng chảy để ngăn bùn, rác đổ vào hồ gây bồi lấp.

   Để tăng thể tích điều hòa nước, cũng cần nghiên cứu phương pháp nạo vét tăng thể tích hồ nhưng không làm ảnh hưởng đến hiện trạng môi trường. Có thể sử dụng phương pháp hút, ép bùn khô như tại hồ Hoàn Kiếm để hạn chế lượng bùn đất phát tán ra môi trường xung quanh cũng như không gây xáo trộn lớn đối với hệ sinh thái lòng hồ. Tiến hành nạo vét theo khu vực, tập trung tại các điểm bị bồi lắng lớn như tại các miệng cống tiếp nhận nước thải đổ vào hồ. Cần phải có hệ thống lắng, lọc rác tại đầu nguồn và tại miệng cống thải nhằm hạn chế lượng bùn, đất, rác theo nước đổ vào hồ, gây bồi lấp, hạn chế tối ta việc suy giảm thể tích lòng hồ. Quản lý chặt chẽ các nhà hàng nổi trên mặt hồ, trong khu vực lòng hồ về vấn đề thu gom nước, rác thải, cần phải xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm xả rác vào lòng hồ.

   Nghiên cứu lượng giá kinh tế cho các xử lý môi trường, chức năng văn hóa của hồ để huy động nguồn thu ngân sách cho hoạt động bảo vệ hồ. Cụ thể cần nghiên cứu chế độ thu phí với việc sử dụng lòng hồ làm nơi vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống.

   Khuyến khích các đơn vị đào tạo đưa hồ Tây vào là một trong các địa điểm nghiên cứu, thực tập học tập của học sinh, sinh viên tại Hà Nội về các mảng như nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghiên cứu về hệ sinh thái tự nhiên, các loài động, thực vật thủy sinh...

   Để duy trì các giá trị lưu trữ nguồn gen đa dạng sinh học, các hoạt động nghiên cứu về nhân nuôi và thả lại hồ một số loài thủy sinh đặc hữu như cá, ốc, sen Bách Diệp, chim Sâm cầm, cũng nên được xem xét và triển khai trong thời gian tới. Cần thu hút các bên liên quan tham gia: cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức, đơn vị nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, hội phụ nữ; Đoàn thanh niên, người già, học sinh, giáo viên… Để bảo tồn hồ, nên coi trọng các giá trị văn hóa, xã hội của cộng đồng người dân sinh sống quanh hồ, sự tham gia của các bên liên quan trong việc ra các quyết định từ tư vấn, lập kế hoạch quản lý, bảo vệ đến chương trình hoạt động nhằm tránh những xung đột lợi ích sau này khi triển khai các hoạt động của dự ánn

   Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học hồ Tây, TP. Hà Nội” do Đại học Quốc gia Hà Nội quản lý và tài trợ.

Bảng 1. Một số giá trị và chức năng chính của hồ Tây

Giá trị/Chức năng

Ví dụ cụ thể

Hồ Tây

Cung cấp thực phẩm

Nuôi thủy sản, rau hoa quả

x

Nguồn cấp nước

Cấp nước cho tưới tiêu và sinh hoạt

x

Điều hòa khí hậu

Điều hòa nhiệt độ, vi khí hậu của thành phố

xx

Điều tiết chế độ thủy văn

Nạp nước ngầm và trao đổi nước ngầm

x

Kiểm soát ô nhiễm

Tiếp nhận và giữ chất lắng đọng; hòa tan chất dinh dưỡng và chất ô nhiễm, chất thải

x

Kiểm soát thiên tai

Kiểm soát ngập lụt

xx

Giá trị tâm linh

Tín ngưỡng, niềm tin của người dân

xx

Giá trị cảnh quan, giải trí

Cơ hội cho du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí, ngắm cảnh

xx

Giá trị giáo dục

Cơ hội cho giáo dục, đào tạo chính thống và ngoại khóa

xx

Hỗ trợ ĐDSH

Nơi cư trú của các loài sinh vật

xx

Hỗ trợ chu kỳ chất dinh dưỡng

Tiếp nhận/giữ và xử lý chất dinh dưỡng

xx

 

Ghi chú: “x”: giá trị được sử dụng ít, “xx”: giá trị được sử dụng nhiều (Báo cáo đề tài CRES)

Bảng 2. Thành phần các loài sinh vật ở hồ Tây

Ngành sinh vật

Tên khoa học

Số loài

Ngành sinh vật

Tên khoa học

Số loài

Tảo Lam

Cyanophyta

12

Động vật đáy

Benthos

14

Tảo Lục

Chlorophyta

73

Pices

39

Tảo Silic

Bacillariophyta

26

Họ cá chép

Cyprinidae

23

Tảo Mắt

Euglenophyta

7

Chim

Aves

58

Tảo Giáp

Pyrrophyta

4

Lưỡng cư và bò sát

Amphilia và Reptilia

11

Động vật nổi

Zoophaton

38

Thú

Mammalia

2

Nguồn: Đặng Huy Huỳnh và Trần Nghĩa Hòa, 2010; Ban Quản lý hồ Tây, 2012

 

Hoàng Văn Thắng, Bùi Hà Ly

Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (CRES)

Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn