07/02/2017
Việt Nam đang là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH). Để thực hiện mục tiêu chung tay cùng thế giới BVMT, Việt Nam đã chủ động xây dựng“Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX)” để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính, chống lại mực nước biển dâng… Chiến lược TTX nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó góp phần ứng phó với BĐKH, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Hội thảo cấp cao “Chiến lược Quốc gia về TTX của Việt Nam: Con đường hướng tới thực hiện Thỏa thuận Pari - Kinh nghiệm của Việt Nam & EU tổ chức ngày 11/10/2016 tại Hà Nội |
Triển khai kế hoạch hành động TTX
Một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2013 - 2020 là các hoạt động thông tin, truyền thông và nâng cao nhận thức; Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo ngắn hạn về TTX cho cán bộ quản lý nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương góp phần thực hiện giải pháp “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực”.
Theo đó, Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp, hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động TTX. Đến nay, Bộ KH&ĐT đã hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và TTX giai đoạn 2016-2020 của ngành GTVT với 6 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Tiếp tục hỗ trợ Bộ GTVT xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam, với mục tiêu thực hiện các giải pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Ở cấp địa phương, hiện đã có 15 tỉnh xây dựng, phê duyệt và một số tỉnh đang thực hiện Kế hoạch hành động TTX (Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận và An Giang); Đồng thời, Bộ KH&ĐT tiếp tục hỗ trợ các tỉnh Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang xây dựng Kế hoạch hành động TTX cấp tỉnh.
Thực hiện việc lồng ghép các yêu cầu về BVMT, TTX, phát triển bền vững (PTBV) và ứng phó với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đặc biệt là trong quá trình lập kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT tích cực thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; các chỉ tiêu về môi trường và PTBV đang được rà soát, theo dõi và đánh giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ đang nghiên cứu những hành động thích ứng với BĐKH ưu tiên Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (NDC) Việt Nam, đầu tư tư nhân trong BĐKH làm cơ sở đề xuất kế hoạch và hành động chính sách thực hiện cam kết của Việt Nam.
Đồng thời, rà soát, cập nhật đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH, TTX đến hết năm 2015 và công bố vào tháng 6/2016, với đề xuất khung quản lý nguồn lực, phối hợp với các đối tác phát triển quốc tế hỗ trợ nghiên cứu Đánh giá đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH và TTX ở tỉnh Cà Mau, xem xét nhân rộng ra các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tăng cường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng TTX và BVMT, ứng phó với BĐKH để khuyến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với những yêu cầu trong thời kỳ mới. Phối hợp với Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2030 thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH và Kế hoạch xây dựng Báo cáo cập nhật 2 năm một lần; Phối hợp với đối tác phát triển quốc tế và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Bình Thuận xây dựng kịch bản BĐKH và bổ sung, chỉnh sửa Kế hoạch hành động BĐKH lần 2 cấp tỉnh...
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu thực hiện Kế hoạch hành động TTX |
Tăng cường hợp tác quốc tế
Bộ KH&ĐT đang tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan và đối tác phát triển để xây dựng năng lực cho các cơ quan Việt Nam, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về tổ chức, thể chế để tiếp cận Quỹ Khí hậu Xanh (GCF).
Trên cơ sở tổ chức thành công Hội thảo hàng năm về Tiếp cận nguồn tài chính cho thực hiện TTX và ứng phó với BĐKH trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác Phát triển ít phát thải các bon châu Á (Asia LEDS Partnership - ALP), Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội thảo vùng của Diễn đàn vào cuối tháng 6/2016 tại Hà Nội với chủ đề “Cơ chế thúc đẩy đầu tư tài chính cho phát triển năng lượng sạch nối lưới ở khu vực châu Á” ; “Huy động tài chính để thực hiện các hành động ưu tiên giảm thiểu tác động của BĐKH” gắn kết với các mục tiêu BVMT, PTBV và ứng phó với BĐKH.
Phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cấp cao “Chiến lược quốc gia về TTX của Việt Nam: Con đường hướng tới thực hiện Thỏa thuận Pari - Kinh nghiệm của Việt Nam & EU” trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Đối thoại Chiến lược Việt Nam - EU ngày 11/10/2016 tại Hà Nội, với mục tiêu thảo luận về Chiến lược TTX của Việt Nam liên quan đến thích ứng với BĐKH và các nỗ lực để đạt được thành công Thỏa thuận Pari tại COP21 thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia EU về thực hiện Chiến lược TTX ở châu Âu, quan điểm và việc thực hiện Chiến lược TTX tại Việt Nam, tăng cường hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực TTX...
Cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Phát triển Quốc tế Ôxtrâylia (AusAid) tổ chức Hội thảo/Tập huấn “Tài chính cho BĐKH và TTX tại vùng ĐBSCL”, đây là hoạt động phối hợp thực hiện quan trọng tại ĐBSCL, nơi chịu nhiều tác động tiêu cực của BĐKH, nước biển dâng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong ứng phó với BĐKH. Điều này không chỉ giúp các tỉnh đánh giá tình hình đầu tư cho BĐKH, mà còn giúp cải thiện công tác lập kế hoạch, lập ngân sách cho BĐKH và TTX, đồng thời đảm bảo trách nhiệm báo cáo giải trình với Chính phủ và các nhà tài trợ.
Chính phủ Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận Pari về BĐKH và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận này. Việc thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX là một đóng góp tích cực cho việc thực hiện Thỏa thuận. Năm 2016, Việt Nam đã triển khai hoàn thiện thể chế chính sách và tăng cường năng lực, tạo bước chuyển biến quan trọng cho các năm sau. Hy vọng đến năm 2020 hoặc sớm hơn, Việt Nam có thể hoàn thành việc sắp xếp đẩy mạnh triển khai các cam kết quốc tế trong giai đoạn 2020 -2030.
Nguyễn Tuấn Anh
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục,TN&MT - Bộ KH&ĐT
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017