Banner trang chủ

Để điện mặt trời bén rễ vùng đất nghèo

06/03/2019

     Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án (DA) điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam. Từ định hướng này, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư phát triển DA ĐMT trên vùng đất kém chất lượng ở huyện biên giới Lộc Ninh.

     Đánh thức tiềm năng

     Là tỉnh miền núi phía Tây của vùng Đông Nam bộ, Bình Phước có tổng diện tích tự nhiên 6.856 km². Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp theo các trục chính: Quốc lộc (QL) 13 kết nối TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và nước bạn Campuchia; Trục ĐT 741, trục QL 14 kết nối với Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay, Bình Phước có 8 khu công nghiệp (KCN) đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.194 ha. Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh sẽ có 13 KCN, tổng diện tích 4.686 ha và một khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tổng diện tích 28.364 ha đã đưa vào hoạt động. Đặc biệt, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt DA ĐMT trên địa bàn huyện Lộc Ninh, vùng đất có thổ nhưỡng sét pha cát và sỏi kết vốn không phù hợp phát triển nông nghiệp.

     Trước đây, Bình Phước có giao đất cho các doanh nghiệp (DN) trồng cây cao su trên khu vực này nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vùng đất này có cường độ bức xạ mặt trời cao so những nơi khác, địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông thuận lợi, không thuộc đất lâm phần, không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng thuận lợi; những nơi được quy hoạch phát triển ĐMT hiện là rừng khộp, đất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp; chủ sử dụng đất hiện là các DN nên khi thu hồi sẽ nhanh và không ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân trong vùng.

     Đầu tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc bổ sung DA ĐMT Lộc Ninh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020. Theo đó, tại Lộc Ninh được quy hoạch DA ĐMT với quy mô 800 MWp. Dự kiến, trong năm 2019 DA sẽ đưa vào vận hành các nhà máy ĐMT, gồm: Lộc Ninh 1 công suất 200 MWp, Lộc Ninh 2 công suất 200 MWp, Lộc Ninh 3 công suất 150 MWp, Lộc Ninh 4 công suất 200 MWp. Năm 2020 đưa vào vận hành nhà máy năng lượng ĐMT Lộc Ninh 5 công suất 50 MWp.

 


Thi công móng trụ đường đây 220 kV kết nối các dự án ĐMT trên địa bàn huyện Lộc Ninh

hòa với điện lưới quốc gia

 

     Ngay từ cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh), Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy ĐMT trên địa bàn huyện với hệ thống điện lưới quốc gia. DA có diện tích khoảng 100 ha, tổng chiều dài đường dây 30 km, trong đó điểm đầu từ xã Lộc Thạnh chạy qua năm xã của huyện Lộc Ninh và xã Thanh Lương (thị xã Bình Long) đến điểm cuối là trạm 220 kV Bình Long 2; tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Theo lãnh đạo đơn vị thi công, thời gian thi công dự kiến từ tháng 12-2018 đến tháng 6-2019, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với 10 nhà thầu thực hiện các công việc đầu tư tuyến đường dây này. Công trình đi vào hoạt động sẽ bảo đảm dung lượng truyền tải hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng tối đa lên đến 1.200 MWp.

     Có kế hoạch thực hiện cụ thể

     Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết, hiện nay, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời đang là hướng đi mới tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Đặc biệt, xu hướng sử dụng ĐMT tuy mới nhưng với những lợi ích về kinh tế và môi trường mà loại hình năng lượng này mang lại, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường sống của con người. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất quy hoạch chuyển đổi một phần diện tích đất xấu, đất sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả sang đất thực hiện các DA ĐMT. Chủ trương của tỉnh đã được Chính phủ chấp thuận và phê duyệt; khi đi vào khai thác, các DA ĐMT hàng năm cho Bình Phước một lượng điện sạch khá lớn hòa vào lưới điện quốc gia.

     Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg cũng đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm khuyến khích các DA ĐMT. Cụ thể, quy định về quy hoạch DA ĐMT như miễn giảm thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho DA, thu nhập DN, miễn giảm tiền thuê đất và sử dụng đất ở một số hạng mục công trình... Riêng tại Bình Phước, ngày 6-11-2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1546 /TTg-CN về việc bổ sung DA ĐMT Lộc Ninh vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

     Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Phước phối hợp cùng nhà đầu tư đẩy mạnh thủ tục đầu tư, GPMB nhằm phục vụ DA. Thậm chí, để bảo đảm tiến độ DA chính quyền địa phương đã vừa thực hiện GPMB vừa cho thi công DA đường dây truyền tải điện 220 kV. Tỉnh Bình Phước xác định, đường dây truyền tải điện 220 kV có vai trò hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến việc thoát công suất cho các DA ĐMT trong khu vực, tháo gỡ nút thắt quan trọng trong công tác đấu nối các nhà máy ĐMT hòa lưới điện quốc gia. Do đó, tiến độ thực hiện nhiều DA ĐMT tại Bình Phước đang có được bước tiến mạnh mẽ.

     Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Thường trực Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải chi nhánh Bình Phước (chủ đầu tư DA) cho biết, riêng DA xây dựng các nhà máy ĐMT Lộc Ninh 3, các nhà thầu thi công đang tập trung công tác san ủi mặt bằng đạt khối lượng khoảng 40%; chuẩn bị lắp đặt giàn đỡ và tấm pin của nhà máy. DA Nhà máy ĐMT Lộc Ninh 1, 2 do khó khăn trong công tác đền bù, GPMB tại vị trí cũ, chủ đầu tư đang chờ UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh vị trí hai nhà máy 1, 2, làm căn cứ để triển khai thi công. Riêng hai nhà máy Lộc Ninh 4 (200 MW), Lộc Ninh 5 (50 MW) đang trình UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư. Trong giai đoạn đầu, đơn vị đầu tư ba nhà máy tổng công suất 550 MW với số tiền 7.000 tỷ đồng.

     Thể hiện quyết tâm đồng hành cùng DN của các cấp chính quyền địa phương trong phát triển ĐMT, ông Ngô Gia Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Lộc Ninh đã thành lập Hội đồng giải tỏa, đền bù, GPMB đường truyền tải điện 220 kV đi qua năm xã của huyện Lộc Ninh với chiều dài tuyến đường dây khoảng 29 km, gồm: 107 trụ và hành lang an toàn mỗi bên ra 22 m. Tổng điện tích GPMB là 103,379 ha. Đến nay, huyện Lộc Ninh cơ bản hoàn tất các thủ tục để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

 

Bảo Bình (Theo nhandan.vn)

Ý kiến của bạn